Nghĩa trang Baizhuang nằm ở thành phố Tương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc, theo Viện khảo cổ thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc. Nghĩa trang này được phát hiện bởi Viện khảo cổ và di sản văn hóa Tương Dương vào mùa hè năm ngoái trong những đợt khai quật nằm trong một dự án cơ sở hạ tầng, Newsweek hôm 20/3 đưa tin.
Sau khi dọn dẹp toàn diện, nhóm khảo cổ xác định có tổng cộng 176 ngôi mộ tại khu vực. Trừ hai ngôi mộ từ triều Hán ở Trung Quốc (năm 206 trước Công nguyên - năm 220), các ngôi mộ còn lại đều là mộ sâu từ thời Chiến quốc. Thời kỳ này kéo dài từ thế kỷ 5 tới năm 221 trước Công nguyên, được đánh dấu với chiến tranh liên tiếp giữa nhiều quốc gia phong kiến Trung Quốc để thâu tóm quyền lực. Đây là một trong những thời kỳ có sức ảnh hưởng lớn lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, kết thúc với sự kiện Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước.
Cho tới vài thập kỷ gần đây, giới nghiên cứu biết rất ít thông tin về cuộc sống và trình độ công nghệ của người dân thời Chiến quốc. Nhưng trong 50 năm qua, những di chỉ khảo cổ từ thời kỳ này như khu mộ, công xưởng và làng mạc nhỏ đã góp phần làm sáng tỏ cuộc sống thực tế thời Chiến quốc. Trong số các ngôi mộ thời Chiến quốc mới phát hiện có 9 ví dụ cỡ trung bình với hành lang dốc. Ngôi mộ lớn nhất có tổng chiều dài hơn 9 m và rộng gần 5 m. Những ngôi mộ còn lại trong nghĩa trang thường nhỏ hơn và không có hành lang.
Trong đợt khai quật, nhóm khảo cổ cũng tìm thấy hơn 500 cổ vật, bao gồm hàng trăm món đồ gốm, hàng chục đồ đồng, chủ yếu là vũ khí như kiếm và giáo mác, cùng một số đồ dùng bằng gỗ như lược và nhẫn ngọc bích. Một trong những ngôi mộ lớn có số hiệu M3 chứa bình dùng cho nghi thức hiến tế, kiếm và muôi bằng đồng.
Đặc biệt, ở phía tây bắc của M3, các nhà nghiên cứu tìm thấy một hố chôn xe kéo và hai con ngựa. Chiếc xe quay về hướng bắc trong khi hai con ngựa nằm ở hai bên. Dựa trên quy mô của M3, kết hợp với đồ tạo tác và hố chôn xe ngựa gần đó, nhóm nghiên cứu suy đoán ngôi mộ nhiều khả năng thuộc về một quý tộc địa vị cao.
An Khang (Theo Newsweek)