Dựa trên dữ liệu hình ảnh từ vệ tinh Copernicus Sentinel-2, các nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BSA) đã báo cáo phát hiện thêm 11 thuộc địa của chim cánh cụt hoàng đế, nâng tổng số quần thể được biết đến trên toàn thế giới lên con số 61, tăng 20% so với trước đây.
Tuy nhiên, khám phá mới lại phơi bày một sự thật đáng buồn hơn vui, khi các quần thể đều cư trú trên ranh giới của môi trường sống đang bị thu hẹp. Hầu hết có quy mô quá nhỏ. Các nhà khoa học phải sử dụng hình ảnh độ phân giải cao từ không gian để theo dõi dấu vết phân chim mới có thể xác nhận sự tồn tại của chúng.
BSA ước tính 11 quần thể mới chỉ làm tăng từ 5 đến 10% số lượng chim cánh cụt hoàng đế trên toàn lục địa Nam Cực. Đáng lo ngại hơn là khu vực sinh sản của chúng ngày càng bị thu hẹp do băng tan. Nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn như hiện tại, gần như tất cả các thuộc địa mới sẽ biến mất vào cuối thế kỷ 21.
Quy mô của cộng đồng chim cánh cụt có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của chúng bởi trong mùa đông lạnh giá, các sinh vật cần rúc vào nhau để tránh gió và giữ ấm. Quần thể nhỏ còn đe dọa đến tỷ lệ sinh sản thành công khi chim cánh cụt cần tụ tập lại để ấp trứng và bảo vệ con non, do nhiệt độ có thể giảm xuống tới -40 độ C.
Một cuộc khảo sát vào năm ngoái của BAS cho thấy đàn chim cánh cụt hoàng đế lớn thứ hai trên Trái Đất ở vịnh Halley, phía nam Cape Hope, đã trải qua một mùa sinh sản "thất bại thảm khốc" do môi trường sống của chúng bị thu hẹp.
Chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) hiện là loài chim cánh cụt lớn nhất còn tồn tại trên Trái Đất khi có thể phát triển tới chiều cao 122 cm và nặng 22 - 45 kg. Mặc dù chưa bị xếp vào nhóm động vật nguy cấp, tương lai của loài không mấy sáng sủa bởi chúng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí sinh học Remote Sensing in Ecology and Conservation.
Đoàn Dương (Theo AFP/Science Alert)