Ngày 20/3/1995, các tuyến xe điện ngầm quan trọng ở Tokyo đồng loạt bị giáo phái Aum rải hơi độc sarin - khiến 12 người chết, hơn 5.000 người phải chịu các di chứng về thể chất và tinh thần, toàn nước Nhật bàng hoàng chấn động. Murakami Haruki, nhà văn đương đại xuất sắc của thế hệ trưởng thành sau Thế chiến II, đã rời nước Mỹ trở về quê hương, ghi chép lại thảm họa trong nỗi đau máu thịt sống động của từng nhân chứng. Không né tránh bất cứ câu hỏi nào về quyền lực và số phận dân tộc, Murakami muốn truy tìm căn nguyên thảm họa chính trong lòng nước Nhật, chứ không quy kết hời hợt về phía "kẻ thủ ác".
Trang bìa cuốn sách. |
Cuốn ký sự - phỏng vấn có tên Ngầm của Murakami được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, khẳng định tài năng của ông - vốn gần như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết - ở thể loại phi hư cấu. Loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân và tám thành viên giáo phái Aum, không chỉ đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công mà còn phản tỉnh về một nước Nhật "ngủ yên" trong vật chất và mê mụ, không còn khả năng phản xạ tức thì trước cơn nguy biến; nỗi cô độc, trạng thái kiệt lực trong một xã hội duy lý đã đẩy những người bình thường thành đồng lõa với "kẻ thủ ác"... Tuy nhiên, tinh thần hy sinh cao quý của mỗi công dân bình thường, như người gác đường ray, đêm nào đi làm cũng dặn vợ, "có thể đêm nay anh không về", lại khiến chúng ta cảm động vô cùng về chính nước Nhật đó.
Ngầm do dịch giả Trần Đĩnh chuyển ngữ được Công ty Truyền thông, Nhã Nam và NXB Văn hoá Sài Gòn ấn hành.
B.T.