Dung, 34 tuổi, có một công việc ổn định, nhà riêng tại Hà Nội nhưng trong mắt họ hàng ở quê "con gái giỏi đến mấy rồi cũng đi lấy chồng". Dung từng có bạn trai và dự định kết hôn, nhưng chuyện tình cảm không được như ý nên đến nay cô vẫn độc thân. Mỗi khi về quê dịp Tết, không khí gia đình lại căng thẳng khi trong các buổi tiệc, họ hàng nội ngoại xúm vào giục cô chuyện lấy chồng. Trong mắt mọi người, chưa lập gia đình ở tuổi 30 là một thất bại, liên tục so sánh Dung với bạn bè cùng trang lứa, nhiều người còn hỏi "có bị bệnh gì mà muộn chồng".
Căng thẳng vì chuyện lập gia đình, cộng thêm áp lực công việc cận Tết, Dung mất ngủ triền miên, tâm trạng lo âu, buồn bã, mất động lực, phải vào Bệnh viện Tâm thần Mai Hương thăm khám.
Ngày 8/1, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, cho biết xét nghiệm, kiểm tra tâm lý, người bệnh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, phải điều trị bằng thuốc kết hợp trị liệu.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, sáng lập công ty Học viện Hạnh phúc Việt Nam, cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn tâm lý dịp cận Tết. Đa số trường hợp chưa lấy chồng, vợ hoặc đang gặp khó khăn công việc, bị gia đình tạo áp lực. Như anh Hoàng ở Yên Bái, 34 tuổi, luôn bị ám ảnh vì đến nay vẫn chỉ là nhân viên, ở nhà thuê, bị nói vì việc này nên "kém cỏi nên không lấy được vợ".
Anh kể, mỗi khi về quê dịp Tết, người thân hay gặng hỏi "thu nhập bao nhiêu, bao giờ mua nhà?", "lấy vợ đi để ông bà có cháu bế" khiến người đàn ông vô cùng áp lực. Trong bữa cơm, bố mẹ cũng thường xuyên kể chuyện "con nhà người ta" khiến anh chạnh lòng. Tâm sự với chuyên gia, anh nói càng cận kề Tết, lại càng thấy buồn bã, chán chường, mất động lực, đặc biệt không muốn về nhà vì sợ bố mẹ, họ hàng lại lôi chuyện vợ con, công việc ra bàn tán.
Chị Dung, anh Hoàng là hai trong nhiều trường hợp gặp áp lực tâm lý khi phải sum họp với gia đình dịp Tết. Theo bác sĩ Thu, trải qua hai năm đại dịch, sức khỏe tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều người trẻ. Bản thân họ trong năm qua đã phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, sự nghiệp, cộng thêm guồng quay công việc cuối năm tất bật, khiến nhiều người bị stress. Do đó, những lời nhận xét vô tư của họ hàng đôi khi trở thành nguồn gốc thúc đẩy thêm sự căng thẳng.
Chuyên gia tâm lý Hương Lan cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ stress khi tụ họp gia đình Tết nằm ở bên trong chính họ. "Những lời hỏi han của người thân rất có thể là sự quan tâm, hoặc đơn giản là câu cửa miệng song lại gây ức chế cho người vốn đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần", bà Lan nói.
Vị chuyên gia cũng nêu một nguyên nhân khác đến từ cha mẹ, người thân. Tình yêu thương của phụ huynh vô tình gây áp lực cho con cái. Cha mẹ Việt hay ép con cái kết hôn hay tạo áp lực để con thành công hơn, vì nghĩ đó là điều tốt, cần khuyên bảo, định hướng cho con.
"Tuy nhiên họ không hiểu rằng những lời thúc giục lặp đi lặp lại có thể gây ra sự khó chịu, bất hòa trong gia đình, trở thành một dạng bạo hành tinh thần gây ám ảnh cho người trẻ", bà Lan cho biết, thêm rằng sự căng thẳng gia tăng trong những gia đình đông con cháu, nơi có nhiều sự so sánh giữa anh chị em. Những người thất bại có thể mang tâm lý tự ti, ngược lại những người thành công hơn cũng có thể cảm thấy không thoải mái khi bị so sánh hoặc đề cao quá mức.
Bác sĩ Thu cho biết sự căng thẳng liên tục sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và trí tuệ, gây giảm trí nhớ, dễ cáu gắt, mệt mỏi, ngủ kém. Căng thẳng tâm lý có thể là yếu tố thuận lợi làm phát sinh một giai đoạn bệnh tâm thần, thường gặp nhất là rối loạn lo âu, trầm cảm.
Để giảm bớt những căng thẳng dịp Tết, các chuyên gia khuyến nghị, mỗi người nên đặt tâm thái biết ơn, mỉm cười, học cách đón nhận tình yêu thương và sự quan tâm của người thân. Ngoài ra, cũng nên tự nhắc nhở "bản thân bạn không phải người duy nhất cảm thấy căng thẳng". Còn nếu cảm thấy stress, ảnh hưởng sinh hoạt, công việc thì nên gặp chuyên gia tâm lý để được lắng nghe, chia sẻ và tìm các giải pháp tháo gỡ.
Cha mẹ và người thân hãy quan tâm và yêu thương theo cách con muốn, chứ không yêu con theo cách mình cần. Các thành viên trong gia đình cũng nên học cách lắng nghe và tôn trọng mong muốn của nhau. Ngày Tết là cơ hội để làm những điều mình mong muốn, tạo trải nghiệm thú vị như đi du lịch, nghỉ dưỡng...
Những căng thẳng từ bên ngoài, như sự kỳ vọng của người thân có thể nguôi ngoai theo thời gian. Tuy nhiên, căng thẳng đến từ bên trong, ảnh hưởng tiêu cực tinh thần, thể chất, thì mọi người nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
"Thông thường, cảm giác mệt mỏi, buồn chán sẽ tạm biến mất khi mùa lễ Tết kết thúc. Song ở một số người, tình trạng này kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, dễ chuyển biến thành trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Lúc này, chúng ta nên thăm khám chuyên gia sức khỏe tâm thần", bác sĩ khuyến cáo.