Ngày 22/8, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bé được Bệnh viện Đa khoa Sơn La chuyển lên trong tình trạng kích thích, sốt cao kèm đau đầu, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, không ăn uống được. Người nhà cho biết con chó lạ sau khi cắn người đã đi mất không theo dõi được, bé được tiêm phòng uốn ván nhưng không tiêm phòng dại.
Sau hơn hai giờ nhập viện, gia đình xin đưa bé về chăm sóc tại nhà. Bệnh dại hiện không có thuốc chữa. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người, 100% tử vong.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên, lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da có tổn thương. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Trần Quang Đại, phòng tư vấn tiêm chủng vaccine, cho biết phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.
Khi bị chó, mèo cắn, đối với vết thương nhỏ cần rửa ngay với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong 10-15 phút. Với vết thương lớn và phức tạp, đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng. Tuyệt đối không sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc để bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà.
Bác sĩ khuyến cáo hạn chế cho trẻ tiếp xúc với chó mèo nuôi hoặc chó mèo lạ. Nhà có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ. Bắt buộc tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ, ra đường phải rọ mõm hoặc xích.
Thúy Quỳnh