Sáng 15/4, Đức Pháp Vương Phật giáo Kim cương thừa đã thăm tòa soạn VnExpress. Tại đây, Ngài đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để trò chuyện trực tuyến với độc giả.
Video: Thanh Tùng - Hà Diễm
- Thưa Đức Pháp Vương, đã đi truyền pháp ở nhiều nơi trên thế giới Ngài có cảm nhận gì về Phật tử và đất nước Việt Nam? (Hoàng Tử Jang, 33 tuổi)
- Ấn tượng ban đầu của tôi với đất nước Việt Nam là sự ấm áp, hiếu khách của người dân. Ngay khi đặt chân đến sân bay tôi đã nhận được sự đón tiếp rất nồng ấm, thể hiện qua nụ cười của Phật tử hay cách họ gọi tên tôi. Tôi nói như thế không có nghĩa là các quốc gia khác không có sự nồng ấm đó. Nhưng ở Việt Nam, tôi cảm thấy điều đó nhiều hơn, rõ nét hơn.
- Điều hạnh phúc nhất của Ngài mỗi khi đi giảng pháp là gì? (Hoàng Tử Jang, 33 tuổi)
- Tôi vui nhất, hạnh phúc nhất là khi giảng pháp, tôi thấy sự hiểu biết của các Phật tử thể hiện trên khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười, cái vỗ tay của họ. Điều đó có nghĩa là họ đã hiểu giáo pháp. Tôi cảm thấy vui và thoải mái.
- Xin Ngài cho con một lời khuyên trong cuộc sống đầy khó khăn và thử thách này, khi tình yêu thương giữa người và người càng ít dần, thay thế bằng vật chất. Trong tình yêu nam nữ, làm sao để chất liệu yêu thương có thể tồn tại lâu dài. Con xin cảm ơn và mong Phật gia hộ Ngài có sức khỏe và thực hiện nhiều Phật sự. (Tran Van Anh, 29 tuổi)
- Như bất cứ điều gì khác, mọi thứ phụ thuộc vào cách bạn tổ chức, nỗ lực trong cuộc sống. Nếu bạn không tổ chức, định hướng thì cuộc sống sẽ chao đảo, đầy dao động.
Chúng ta nên nỗ lực hết sức để kiểm soát cuộc sống của chính mình. Bên cạnh đó, bạn nên tránh làm hại đến tự nhiên, đến nguồn nước, đến môi trường. Bởi tự nhiên, nguồn nước, môi trường mang đến thức ăn, hơi thở, sự sống của chúng ta. Đó là điều rất quan trọng. Nếu chúng ta không nỗ lực bảo vệ tự nhiên, động vật, nguồn nước, chúng ta sẽ từ từ bị hủy hoại.
Một điều quan trọng nữa là bạn cần mang đến hạnh phúc cho những người xung quanh, cho chồng, vợ, con cái, bạn bè... Bạn không thể hạnh phúc nếu chồng bạn, con bạn, bạn bè bạn đang khổ đau. Một khi họ hạnh phúc, bạn sẽ hạnh phúc.
Chúng ta đều sống giữa các mối quan hệ. Chồng bạn, vợ bạn đều là người phàm, ắt có lỗi lầm. Chúng ta cần bao dung, tha thứ, nhờ đó, hạnh phúc gia đình mới được đảm bảo. Các quan hệ trong cuộc sống ràng buộc chúng ta, tác động đến chúng ta. Nếu chúng ta sống hài hòa, con người chúng ta thấu hiểu lẫn nhau, chúng ta sẽ mang lại hạnh phúc cho nhau.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng tình yêu thương - tình yêu thương bắt đầu bằng sự hiểu biết - nên nó sẽ rất chân thật. Hãy hướng tình thương yêu đó về người khác. Hãy coi người khác quan trọng hơn chính mình; coi tự nhiên, môi trường quan trọng hơn chính mình, chúng ta sẽ được hưởng thành quả từ đó.
- Là một người luôn đi đầu đấu tranh cho bình đẳng giới, con muốn biết ngài nghĩ thế nào về người đồng tính, trong khi xã hội vẫn coi đó là bệnh hoạn, là sai lầm, là trái với lẽ tự nhiên. Con là người đồng tính và con đang rất khổ tâm, con cũng muốn yêu và được yêu như bao con người trên thế giới, nhưng nếu làm thế thì ba mẹ và họ hàng con sẽ rất đau lòng và xấu hổ với mọi người, con không thể vì tình yêu của mình mà mang đến nổi đau đó cho người thân, con không thể nhìn ba mẹ con đau khổ được, con không chịu được.
Với tất cả lòng thành kính, con xin người hãy chỉ cho con một lối đi.
Nam Mô A Di Đà Phật! (Ken)
- Tôi nghĩ rằng người đồng tính nên theo hướng dẫn của bác sĩ để có sự hướng dẫn tâm lý. Sau đó nên tôn trọng các quy định của pháp luật đất nước mình. Quan trọng hơn là phải sử dụng trí tuệ, sức mạnh nội tâm để chuyển hóa tâm lý một cách tích cực chứ không nên làm nô lệ của các dục tình.
Tôi ủng hộ quyền bình đẳng giới và thấy người phụ nữ có khả năng cao trong nhiều công việc.
- Trên hành trình "Live to love", Ngài có bao giờ cảm thấy mệt mỏi và tuyệt vọng vì những nỗ lực của chúng ta chỉ như hạt cát trên sa mạc khổ đau? Những lúc đó Ngài sẽ làm như thế nào? (Bổn Minh, 25 tuổi, 240/119/30 Nguyễn Văn Luông, Phường 11, Quận 6, TP HCM)
- Thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng tôi tràn đầy lạc quan, tin tưởng vì có rất nhiều người hỗ trợ tôi trong việc thực hiện các thiện hạnh. Tôi có đến hơn 10.000 người chung sức ủng hộ. Đó cũng là con số đáng kể.
Tôi, nếu tuyệt vọng, là bởi thỉnh thoảng tôi nhận thấy có những người còn chưa quan tâm đến môi trường, đến tự nhiên, đến người khác. Nhưng nhìn chung tôi lạc quan khi được sống với các hoạt động - Sống để yêu thương.
Mỗi khi đến Việt Nam, tâm nguyện của tôi là cầu cho hòa bình và hạnh phúc của người dân Việt Nam. Có những lần có tới 35.000 - 40.000 người dự các buổi thuyết giảng của tôi. Nhìn gương mặt, nụ cười và cách họ tiếp nhận bài giảng, tôi hoàn toàn lạc quan về sứ mệnh của mình, vì sự chuyển hóa trong tinh thần của người Việt.
- Nếu mối quan tâm dành cho cuộc sống được chia làm 100 phần thì ta nên dành bao nhiêu phần cho bản thân và bao nhiêu phần cho phần còn lại của thế giới? (Nguyễn Nam Anh, 46 tuổi)
- Tôi không biết trả lời sao. Với bản thân tôi thì tôi dành 85% thời gian cho người khác. Khi tôi dành thời gian ấy cho hạnh phúc của người khác thì tôi nhận lại được 95% niềm hạnh phúc từ người khác dành cho mình. Vì thế đối với tôi, sống cho người khác là niềm vui và hạnh phúc.
- Kính thưa Pháp Vương, làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi? (Pham tien thanh, 25 tuổi)
- Sợ hãi đến từ tham vọng. Nếu bạn có quá nhiều tham vọng, nỗi sợ hãi sẽ xuất hiện. Nên chúng ta đừng quá tham vọng thì sẽ ít sợ hãi.
Chẳng hạn, chúng ta mong đạt được 100% thành công nhưng thực tế chỉ đạt được 10% thôi, thì 90% còn lại sẽ là sợ hãi. Chúng ta cần biết hài lòng với 10% đạt được thì chúng ta sẽ chế ngự được nỗi sợ hãi.
- Thưa Đức Pháp Vương! Làm thế nào để có được một nụ cười thật tươi, thật an lạc như Ngài? A DI ĐÀ PHẬT. (TRI BAO CHUNG, 26 tuổi, 127 Nguyen Hue Quận 1, TP HCM)
- Tôi nghĩ câu trả lời cũng tương tự như vậy. Khi bạn có thái độ tích cực, mặt bạn sẽ rạng rỡ. Khi bạn cảm thấy tiêu cực, bộ mặt bạn sẽ dài ra. Tôi nghĩ cảm xúc tiêu cực hay tích cực đều phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Để có được nụ cười rạng rỡ, tôi nghĩ chúng ta cần những trạng thái tâm lý tích cực, thiện lành. Khi đó nụ cười của chúng ta sẽ rạng rỡ thôi.
- Nam mô bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Xin ngài cho con được hỏi làm sao để sống tự tại giữa đời? Làm sao để không vướng bận việc đời mà không bị mắc vào lỗi né tránh và từ chối trong cuộc sống? (Phạm Hòa, 25 tuổi, 248A Nơ Trang Long, Q Bình Thạnh , TP HCM)
- Đó là câu hỏi liên quan đến việc thực hành tâm linh. Cần sống tự do tự tại giữa cuộc đời này. Đây không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề tâm linh.
Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng ta cần sống trong thế giới này một cách hạnh phúc, an lạc và tự tại. Nghĩa là chúng ta cần phải biết tự cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần. Chẳng hạn, bạn cần phải có tiền, nhưng bạn nên nghĩ rằng, bạn cần tiền để làm điều gì đó cho chồng, cho con, cho hàng xóm, cho những người xung quanh, và xa hơn nữa là cứu trợ, làm từ thiện. Nếu có tiền mà chỉ ích kỷ, nghĩ cho mình thôi thì bạn sẽ không có được hạnh phúc.
Chúng ta phải làm sao để sống tự tại, có tiền mà vẫn hạnh phúc. Đó là điều quan trọng bạn cần tự tu dưỡng.
- Thưa ngài, có phải xuất gia, vào chùa thì tu tập dễ đạt thành quả hơn? Làm sao người bình thường thoát khỏi đam mê ái dục khi ngày ngày đều tiếp xúc với chúng? (Truong Hoang An, 33 tuổi)
- Câu nói cho rằng nếu không đi tu sẽ không đạt được thành quả là không đúng. Nếu bạn đủ năng lực nội tâm, làm cư sĩ sẽ rất tốt. Mỗi ngày bạn phải đối mặt với tham lam, tham ái của đời thường. Nếu chúng ta có thể vượt qua những điều này, ta sẽ giác ngộ tốt hơn.
- Con muốn Pháp Vương chia sẻ, có cách gì để thế hệ trẻ có thể hiểu rõ đạo Phật, để có cuộc sống an lành, hữu ích hơn cho xã hội? (Dang Quoc, 42 tuổi)
- Thế hệ trẻ cần sống có ý thức, có kỷ luật và định hướng. Họ cần biết tổ chức cuộc sống một cách có trí tuệ và khoa học. Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến thế hệ trẻ, cần yêu thương, chăm sóc, sát sao, làm bạn với chúng. Họ phải chăm sóc, giáo dục chúng từ những ngày đầu đến ít nhất 25 tuổi. Các bậc cha mẹ bây giờ dường như còn lỏng lẻo với các con, không dành đủ thời gian để quan tâm đến con. Họ có thể cho con tiền bạc, bất cứ thứ gì chúng cần, nhưng họ không có mặt những lúc cần thiết để yêu thương, uốn nắn và răn bảo con cái. Cha mẹ không nên chiều chuộng mà cần hướng đạo, dạy con biết lẽ phải trái, hướng con cách làm người.
Nếu đứa con hư hỏng, lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ. Các bạn ở đây đều là cha mẹ hoặc sẽ là cha mẹ. Trước khi có con, bạn cần hình dung trước cách dạy con, cách hướng đạo cho con. Bởi khi sinh con là chúng ta đóng góp một thành viên cho xã hội. Hãy góp cho xã hội một thành viên tốt, hữu ích. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định có con, đừng vội vàng.
Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà là một hành trình giúp con người ta sống một cách đúng hướng và có ích nhất. Nếu áp dụng được đạo Phật vào việc tạo nên những con người có ích thì đó là cách thực hành đạo Phật tốt nhất.
- Xin ngài hoan hỷ kể cho con nghe về trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tu tập của ngài và làm cách nào để giúp mình càng ngày càng tinh tấn hơn trong con đường tu học. (Tong Cao Minh, 24 tuổi, Bình Chánh)
- Trải nghiệm đáng nhớ nhất là sự cống hiến cho mọi người. Nói chung tất cả thực hành phật pháp của tôi đều hướng tới lợi ích của người khác. Tôi tu tập từ 8 tuổi đến nay mà không hy vọng bất cứ sự tri ân nào.
Vì không mong đợi ai đó sẽ đến cám ơn, nhận lời cầu nguyện của tôi nên tôi không thấy sợ hãi.
Nhưng trải nghiệm đáng nhớ nhất là khi tôi bắt đầu thực hành sống để yêu thương. Đó là khi tôi nhìn thấy hàng nghìn trẻ em được đi học ở trong những ngôi trường tôi xây, hàng tỷ cây tôi trồng ra hoa kết trái, và hàng nghìn người mù mà tôi giúp mổ mắt đã nhìn thấy và mỉm cười hạnh phúc.
- Với cương vị người lãnh đạo công ty, có trách nhiệm với cuộc sống nhiều người, tôi phải làm sao để hòa hợp với các nhân viên của mình, tạo được môi trường làm việc hạnh phúc, phù hợp với giáo lý nhà Phật? (Tuyết Mai, 39 tuổi, Hà Nội)
- Người lãnh đạo, của một đất nước hay công ty, vấn đề quan trọng là bạn cần Bồ Đề tâm chân thật, dựa trên nền tảng của trí tuệ và tình yêu thương. Nếu chúng ta không biết Bồ Đề tâm chân thật, chúng ta sẽ gặp trở ngại. Bồ Đề tâm không có nghĩa là lúc nào cũng cần từ bi, hài hòa, mềm mại với người khác, mà cần kỷ luật, nghiêm khắc khi cần thiết.
Ví dụ, con cái của bạn còn nhỏ dại, chúng chưa hiểu biết. Bạn thường thấy chúng có thể đòi ăn mọi thứ. Nếu chúng ta cứ cho chúng ăn thỏa thích, chúng sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe. Bạn cần nghiêm khắc với con.
Người lãnh đạo cũng vậy, cần có thiện xảo, kỹ năng dẫn dắt người khác. Bạn phải biết lúc nào cần mềm mại, lúc nào cần nghiêm khắc. Nhưng mọi việc bạn làm phải xuất phát từ tình yêu thương chân thật, từ Bồ Đề tâm.
Pháp Vương nói về lối sống của thế hệ trẻ. Video: Thanh Tùng - Hà Diễm |
- Thời hiện đại, theo Pháp Vương có phương pháp hữu hiệu nào để có thể giải tỏa tốt nhất những căng thẳng áp lực trong công việc, cuộc sống, và cách giải quyết khó khăn đối với những tiêu cực...? (Hoàng Xuân Hạnh, 38 tuổi, Thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An)
- Với tôi, thiền là một cách giải tỏa stress. Tôi nghĩ phương pháp tức thì là thiền quán, thiền định về hơi thở. Tất nhiên nếu ta có thể vào sâu hơn, ta có thể tìm hiểu những triết lý Phật pháp.
Nếu bạn không có kỹ năng thiền thì cũng không sao. Bạn cần có thêm nhiều kỳ nghỉ, lên núi, xuống biển để nghỉ ngơi, thư giãn. Điều đó cũng sẽ trợ giúp cho bạn giải tỏa những căng thẳng.
- Vì điều kiện xa xôi, con không thể tham dự các buổi lễ quán đỉnh ở hai thành phố lớn: Hà Nội và Sài Gòn. Vậy con có thể trì tụng chân ngôn: Om Mani Padme Hung, mà không có quán đỉnh được không? Và như vậy có khác gì so với người được nhận quán đỉnh? (Mang Viên Hưng Định, 34 tuổi, Bình Định)
- Con có thể tụng chân ngôn như vậy mà không cần nhận quán đỉnh, không vấn đề gì cả. Tuy nhiên, người nhận quán đỉnh đã được sự truyền giảng trực tiếp từ tinh thần của Đức Phật, nên họ sẽ tu tập, thấu hiểu nhanh hơn. Nhưng nếu con có đức tin sâu sắc, tâm nguyện mạnh mẽ vì người khác thì con sẽ vẫn thực hành được chân ngôn của Phật giáo.
VnExpress
Ảnh: Quý Đoàn - Nguyên Anh