Sáng nay, Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa đã viếng thăm Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Thứ trưởng Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ - Phạm Dũng bày tỏ sự kính trọng trước các thiện hạnh nhân đạo, cống hiến của Ngài trong việc bảo tồn môi trường, hòa bình hạnh phúc thế giới.
Ông Dũng cũng chia sẻ về chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc công nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho các Tôn giáo phát triển. Hiện Việt Nam có 13 tôn giáo khác nhau, trong đó đạo Phật chiếm vai trò và tầm ảnh hưởng lớn. Cả nước có khoảng 12 triệu phật tử và rất nhiều người dân có tâm hướng đến Phật.
Đức Pháp Vương cho biết, đây là lần thứ năm đến Việt Nam cử hành Pháp hội cầu nguyện quốc thái dân an. Qua nhiều năm, Đức Pháp Vương rất trân trọng sự ủng hộ của Ban tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện thuận lợi và trợ giúp nhiệt tình các chuyến viếng thăm của Ngài.
Pháp Vương Gyalwang Drukpa cũng nhấn mạnh thời điểm gặp gỡ chính là ngày giỗ Tổ Hùng Vương đầy thiêng liêng cát tường với mọi người dân Việt Nam. Tên hiệu vua Hùng trong đạo Phật là âm thanh của hạnh phúc và quyền năng cát tường. Con số 100 từ sự tích 100 người con được sinh ra từ 100 trứng cũng là con số cát tường trong quan kiến vũ trụ học Kim cương thừa.
Cả đất nước Việt Nam có nguồn gốc từ con rồng cháu tiên. Truyền thừa Drukpa cũng là Truyền thừa Rồng thiêng do lịch sử 800 năm trước, Đức Pháp Vương đã nhìn thấy 9 rồng phi thiên tại nơi thánh địa đầu tiên. Bản thân Pháp Vương cùng tất cả Thượng sư và đệ tử của Truyền thừa đều có liên hệ với rồng thiêng. Rồng chính là biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc, sự chân thành và quyền lực.
Từ mối liên hệ chung này, Đức Pháp Vương mong nguyện năng lực tình yêu thương và lòng bi mẫn của Truyền thừa Drukpa có thể hòa vào dòng năng lượng tích cực của dân tộc Việt Nam được trì giữ từ thời các vua Hùng để đóng góp vào sự hòa bình, phồn thịnh và sự phát triển của đất nước.
Đức Pháp Vương cũng gửi lời cảm ơn đến Ban Tôn giáo Chính phủ đã nỗ lực đóng góp duy trì sự hòa hợp, tạo điều kiện cho các tôn giáo cùng phát triển. Trong thế giới ngày nay, hòa hợp chính là năng lực tạo thành sức mạnh. Ngài cũng chia sẻ, triết lý của đạo Phật và mọi tôn giáo là sống để giúp đỡ, yêu thương, để mỗi chúng ta trở thành người tốt, đóng góp tích cực hơn cho cộng đồng xã hội.
“Đây chính là ý nghĩa tâm linh của tôn giáo. Nếu thiếu đi ý nghĩa này, tôn giáo dễ bị hiểu nhầm và tạo ra các tranh chấp, sân hận và giáo điều”, Pháp Vương nói.
Trong cuộc hội đàm, Đức Pháp Vương cũng một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc về sự thị hiện viên tịch của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam - bậc chân tu có nhiều đóng góp to lớn cho Phật giáo Việt Nam.
Trước đó, ngày 8/4, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo Drukpa đã có cuộc gặp mặt Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Chính phủ và nhận được lời mời quay trở lại Việt Nam tham dự Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak tháng 5 tới. Pháp Vương hy vọng, nếu có đủ thiện duyên sẽ tham dự Pháp hội quan trọng này.
Tùng Lâm