![]() |
Từ trái sang: Antinori, Zavos và Boisselier, đồng minh trong dự định nhân bản người. |
Trong lá thư gửi Tổng thư ký LHQ Kofi Annnan, Pháp và Đức đã đề nghị đưa vấn đề nhân bản vô tính người đang gây tranh cãi này ra cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, dự kiến diễn ra vào tháng 9. Từ tháng 6, hai nước đã bắt đầu tiến hành chống nhân bản vô tính người, kêu gọi mọi quốc gia trên thế giới ban hành lệnh cấm thực hiện các thí nghiệm nhân bản vô tính trên con người và gọi đó là hành động “vô nhân tính”. Theo Pháp, công ước cấm nhân bản người đã nằm trong bản tuyên bố toàn cầu về dự án bản đồ gene người và quyền con người được UNESCO thông qua năm 1997.
EC cũng bày tỏ mối lo ngại về vấn đề này. Ngày 8/8, nữ phát ngôn viên của Uỷ ban châu Âu tuyên bố: “Một công nghệ nhân bản người như vậy là đi ngược lại các nguyên tắc đạo đức của đa phần người dân châu Âu. Trong giai đoạn hiện nay công nghệ này là quá sớm đối với trình độ phát triển và dễ gây ra nguy cơ dị tật cho bào thai”. Theo bà, hiến chương về quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (EU) và Nghị định thư của Hội đồng châu Âu đều có những câu chữ cấm nhân bản người. Tuy nhiên, việc có cấm hay không còn phụ thuộc vào luật pháp của từng thành viên EU. Tới nay, mới chỉ có Anh ban hành bộ luật cấm nhân bản người, mặc dù vẫn cho phép nhân bản giới hạn tế bào gốc phục vụ nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là EU không có đủ cơ sở pháp lý để ngăn chặn kế hoạch của bác sĩ Antinori.
Ngày 8/8, Hiệp hội các bác sĩ Italia đã kêu gọi bắt giữ bác sĩ Severino Antinori, người hiện đang ở Washington biện minh cho quyết định tiến hành nhân bản người của mình và cộng sự.
Trong một diễn biến khác, Nhật Bản đang chào mời những nhà khoa học hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực nhân bản người đến làm việc tại Nhật, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực công nghệ nhân bản vô tính. Tuy Nhật Bản cũng đã thông qua luật cấm nhân bản người, nhưng vẫn chấp nhận việc sử dụng công nghệ nhân bản vào mục đích y học.
(Theo BBC, Lao Động, Tuổi Trẻ)