Paul François, một nông dân Pháp trồng ngũ cốc, bắt đầu đổ bệnh vào năm 2014 sao khi tiếp xúc với chất diệt cỏ hiệu Lasso của Monsanto. Loại thuốc diệt cỏ này có chứa monochlorobenzene vốn hợp pháp ở Pháp cho đến năm 2007 nhưng trước đó đã bị cấm sử dụng ở Canada từ năm 1985 và ở Bỉ và Anh từ năm 1992.
Ông François cho rằng tập đoàn hóa chất Monsanto biết về sự nguy hại của thuốc diệt cỏ hiệu Lasso từ lâu trước khi rút loại này khỏi thị trường Pháp. Người nông dân Pháp muốn được bồi thường hơn 1 triệu euro (1,1 triệu USD) vì những tổn hại thần kinh mạn tính, khiến ông phải điều trị dài trong bệnh viện.
Tòa án ở Lyon hôm 9/4 đã bác đơn phúc thẩm của Monsanto nhưng không đưa ra phán quyết về số tiền bồi thường. Vấn đề bồi thường sẽ được xác định trong một phán quyết riêng của tòa. Trước mắt, tòa phúc thẩm ở Lyon yêu cầu Monsanto trả cho ông François 50.000 euro chi phí vụ kiện.
Trong phán quyết, tòa án khẳng định Monsanto đáng lẽ phải ghi rõ trên hướng dẫn sử dụng và nhãn hiệu của thuốc diệt cỏ Lasso "một thông báo về những đe dọa cụ thể của việc sử dụng sản phẩm này". "Người nông dân không phải là nhà hóa học", tòa án nhấn mạnh.
Đây là phán quyết mới nhất chống lại Monsanto liên quan tới thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới của tập đoàn hóa chất này. Tháng trước, tòa án ở San Francisco ra phán quyết yêu cầu Monsanto phải trả 81 triệu USD cho một bệnh nhân ung thư hạch vì đã không cảnh báo về rủi ro của sản phẩm diệt cỏ Roundup. Công ty này đối mặt với 1.200 vụ kiện liên quan đến Roundup tại Mỹ.
Monsanto được thành lập tại St. Louis, Missouri vào năm 1901. Nhà hóa học của hãng này khám phá ra glyphosate vào thập niên 1970 và công ty bán nó ra thị trường với tên thương mại là Roundup. Monsanto nhiều lần phủ nhận thuốc diệt cỏ gây ung thư dù Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, cơ quan thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015 xếp glyphosate vào loại "có thể là tác nhân gây ung thư".
Bộ nông nghiệp Việt Nam hôm 10/4 ban hành quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate ra khỏi danh mục thuốc Bảo vệ Thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Monsanto đã sản xuất chất làm rụng lá cây, còn gọi là chất độc da cam, mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Độc chất dioxin trong chất độc da cam là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như ung thư, dị tật bẩm sinh.
Hàng triệu người Việt Nam đã bị ảnh hưởng từ chất dioxin trong chất da cam. Năm 2004, các nạn nhân đã đệ đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ, trong đó nổi bật là Monsanto và Dow Chemical. Tuy nhiên đơn kiện bị tòa liên bang Mỹ bác bỏ với lý do không đủ căn cứ. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng công ty Monsanto cần bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
An Hồng (Theo Guardian)