Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau ngày 25/8 thông báo nước này sẽ chi thêm 40 triệu euro, bổ sung cho ngân sách 160 triệu euro mà Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấp để tiêu hủy gần 80 triệu gallon (303 triệu lít) rượu vang dư thừa của nước này.
Ông Fesneau cho hay quyết định này nhằm "ngăn chặn giá sụt giảm, giúp các nhà sản xuất rượu vang tìm lại nguồn doanh thu", trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ rượu vang ở châu Âu sụt giảm mạnh.
Các nhà sản xuất sẽ sử dụng khoản tiền trợ cấp này để tách cồn nguyên chất từ rượu vang, làm nguyên liệu sản xuất nước rửa tay, sản phẩm tẩy rửa hay nước hoa. Số rượu vang bị tiêu hủy đủ để đổ đầy khoảng 100 bể bơi tiêu chuẩn Olympic.
Một số vùng sản xuất rượu vang lớn ở Pháp, đặc biệt là Bordeaux, đang gặp hàng loạt khó khăn trong bối cảnh người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu thụ rượu, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và hậu quả của Covid-19.
Hiệp hội nông dân địa phương cho biết 1/3 nhà sản xuất rượu vang ở Bordeaux đang gặp khó khăn tài chính, khi nhu cầu rượu vang giảm khiến nguồn cung dư thừa và giá rượu giảm mạnh.
Theo thống kê của Washington Post, năm 1926, một người trưởng thành ở Pháp uống trung bình 136 lít rượu vang mỗi năm. Ngày nay, con số đó giảm xuống khoảng 40 lít và người tiêu dùng ngày càng ít hứng thú với rượu vang.
Vùng Languedoc, vùng sản xuất rượu vang lớn nhất phía tây nam Pháp, nổi tiếng với rượu vang đỏ, cũng bị ảnh hưởng nặng do nhu cầu giảm. "Chúng tôi đang sản xuất quá nhiều, thua lỗ do giá bán thấp hơn chi phí sản xuất", Jean-Philippe Granier, thành viên hiệp hội các nhà sản xuất rượu Languedoc, nói.
Bộ trưởng Fesneau cho rằng ngành sản xuất rượu vang Pháp "cần nhìn về tương lai, tính toán những thay đổi của người tiêu dùng và thích nghi" với thực tế mới.
Bộ Nông nghiệp Pháp hồi tháng 6 đã công bố ngân sách 57 triệu euro để chặt bỏ khoảng 9.500 ha nho ở vùng Bordeaux. Các vườn canh tác nho cũng được khuyến khích chuyển sang trồng các loại cây khác như ô liu.
Đức Trung (Theo AFP, Washington Post)