"Điều bất công là ở các châu lục khác, rõ ràng, tốc độ tiêm chủng đang rất chậm", Tổng thống Pháp nói trong một video được phát tại buổi hòa nhạc "Công dân Toàn cầu" ở thủ đô Paris. "Pháp cam kết tăng gấp hai lần số vaccine chúng tôi cho đi. Chúng tôi sẽ tăng từ 60 triệu liều lên 120 triệu liều".
Con số này còn nhiều hơn số vaccine đã được tiêm đến nay ở Pháp, Tổng thống Macron cho biết thêm.
Trong thông báo của mình, Macron cũng cho hay Pháp sẽ phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) trong nỗ lực giúp đỡ các quốc gia châu Phi triển khai tiêm chủng.
Pháp đồng thời sẽ chuyển 20% nguồn tài trợ đặc biệt mà họ nhận được từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho các dự án nhằm tái khởi động nền kinh tế các quốc gia châu Phi.
"Nếu các cường quốc lớn làm như Pháp, chúng ta sẽ đạt được 100 tỷ USD cho châu Phi", ông nói thêm.
Pháp đến nay báo cáo 6.989.613 ca nhiễm và 116.449 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 6.012 và 29, là vùng dịch lớn thứ 7 thế giới.
Matshidiso Moeti, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, hồi giữa tháng cảnh báo "tình trạng bất bình đẳng đáng lo ngại và chậm trễ nghiêm trọng" trong việc tiêm chủng có nguy cơ biến các khu vực ở châu lục này thành nơi sinh sôi biến chủng kháng vaccine.
Theo WHO, châu Phi mới chỉ có thể tiêm chủng cho 50 triệu người, tương đương 3,6% dân số.
Thế giới đã ghi nhận 232.141.914 ca nhiễm nCoV và 4.751.635 ca tử vong, tăng lần lượt 372.002 và 5.680, trong khi 207.030.381 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Hà Lan báo cáo 1.994.901 ca nhiễm và 18.149 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 1.592 và hai ca.
Hàng trăm người ngày 25/9 đổ xuống đường biểu tình phản đối việc chính phủ yêu cầu công dân phải xuất trình "thẻ xanh Covid-19" như bằng chứng về việc tiêm chủng khi vào nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim cùng các địa điểm công cộng khác. Mang theo băng rôn và biểu ngữ, đám đông biểu tình đi qua hàng loạt con phố ở The Hague, thủ đô Hà Lan.
Tuy nhiên thực tế, đa phần người dân Hà Lan ủng hộ việc áp dụng thẻ xanh Covid-19 và những ý kiến chỉ trích chủ yếu đến từ ngành nhà hàng, khách sạn.
Theo hiệp hội ngành khách sạn Horeca Nedersland, hơn 40% chủ các nhà hàng, quán bar không có kế hoạch yêu cầu khách hàng xuất trình thẻ xanh Covid-19, cho rằng chính sách này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến đà phục hồi của ngành sau đại dịch.
Vài giờ sau khi yêu cầu xuất trình thẻ xanh hoặc chứng nhận xét nghiệm Covid-19 âm tính được đưa ra, chính phủ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã sa thải một quan chức cấp cao vì công khai chất vấn biện pháp trên.
Văn phòng Thủ tướng Rutte cho biết Thứ trưởng Kinh tế Mona Keijzer bị sa thải vì có bình luận đi ngược lại chính sách của nội các về một vấn đề "quan trọng".
Nhật Bản ghi nhận 1.689.899 ca nhiễm và 17.421 ca tử vong, tăng lần lượt 2.093 và 46 trường hợp.
Bộ Y tế nước này đang tiến hành đánh giá lại hệ thống y tế nhằm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sóng Covid-19 thứ 6, sau khi xảy ra tình trạng nhiều người chết tại nhà vì không được điều trị trong đợt bùng phát trước đó.
Ngoài việc yêu cầu cơ sở y tế đảm bảo đủ giường bệnh, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng số lượng những cơ sở điều trị tạm thời và cải thiện việc điều phối nhân sự.
Trong cuộc thảo luận với các chính quyền địa phương hôm 14/9 về việc thiết lập một hệ thống y tế trung và dài hạn để điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cân bằng trong điều trị các bệnh khác.
Theo Bộ y tế, các ca nhiễm đang có chiều hướng gia tăng ở cả những nước đã triển khai chương trình tiêm chủng trước Nhật Bản, vì thế nguy cơ dịch bùng phát trở lại là hoàn toàn có khả năng.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP, Kyodo News)