Từ ngày 24/9, các quán bar, nhà hàng, trung tâm thương mại và bãi biển tại 8 trong số 15 tỉnh có số ca nhiễm nCoV giảm ở Cuba, bao gồm thủ đô Havana, được phép hoạt động trở lại. Giới chức đã lựa chọn 533 doanh nghiệp có thể phục vụ tại chỗ ở Havana, gồm 315 nhà hàng, trong khi trước đó, các quán chỉ được phép bán mang về.
"Trong những ngày gần đây, chúng tôi đã xác định các điều kiện để dần dần mở lại các dịch vụ tại chỗ", Bộ trưởng Thương mại Nội vụ Cuba Betsy Diaz cho biết. Chính phủ trước đó cũng thông báo sẽ nối lại nhiều chuyến bay hơn và chấp nhận chứng nhận tiêm chủng Covid-19 đối với khách du lịch trong nước, thay cho kết quả xét nghiệm PCR, từ tháng 11.
Giới chức y tế Cuba cho biết số ca nhiễm nCoV tháng này bắt đầu giảm so với mức đỉnh điểm trong mùa hè, giữa lúc chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc với mục tiêu phủ vaccine hơn 90% dân số vào giữa tháng 11 bằng các loại vaccine tự phát triển. 86,5% trong số 2,2 triệu cư dân Havana, nơi chiến dịch bắt đầu, đã được tiêm chủng.
Hồi đầu tháng, Cuba đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu quá trình đánh giá để công nhận vaccine nội địa của nước này. Tuy nhiên, trước mắt Cuba phải đối mặt với các cơ sở y tế tràn ngập bệnh nhân tại những địa phương tiêm chủng muộn hơn, đồng thời xử lý gánh nặng với nền kinh tế. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của nước này hiện lần lượt là 839.981 và 7.104.
Trong khi đó, thế giới đã ghi nhận 231.815.044 ca nhiễm nCoV, 4.749.819 ca tử vong, và 208.405.331 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận tổng cộng 43.631.033 ca nhiễm và 704.831 trường hợp tử vong vì Covid-19, trong bối cảnh giới chức y tế nước này khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer cho ba nhóm, gồm những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền trong độ tuổi 18-64 và dễ tiếp xúc với virus do đặc điểm công việc hoặc nơi sinh sống.
Tổng thống Mỹ, Joe Biden, cho biết 20 triệu người trong số này đã tiêm liều vaccine Pfizer thứ hai đủ lâu, tức là ít nhất 6 tháng, để đi tiêm mũi tăng cường ngay bây giờ. "Hãy đi tiêm liều vaccine tăng cường. Tôi cũng sẽ làm vậy ngay khi có thể", Tổng thống 78 tuổi cho hay.
Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết dữ liệu về mũi tăng cường từ các hãng Moderna và Johnson & Johnson sẽ được đánh giá "trong những tuần tới".
Giới chuyên gia Mỹ còn đang theo dõi chặt chẽ biến chủng R1, được phát hiện lần đầu ở Nhật Bản vào năm ngoái. Theo CDC, biến chủng này mang "một số đột biến quan trọng", cho thấy "bằng chứng về việc virus tăng khả năng lây truyền, đồng thời có khả năng làm giảm hiệu quả kháng thể trung hòa có được sau khi mắc bệnh hoặc tiêm vaccine". Tuy nhiên, giới chức y tế chưa đưa nó vào danh sách đáng lo ngại hoặc cần quan tâm.
Tại châu Âu, chính phủ Na Uy tuyên bố tái mở cửa xã hội từ hôm nay, chấm dứt những biện pháp phòng dịch làm hạn chế tương tác xã hội và khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng với Đan Mạch và Anh, Na Uy giờ đây nằm trong số ít quốc gia dỡ bỏ toàn bộ quy định hạn chế trong nước.
"Đã 561 ngày kể từ khi chúng tôi đưa ra những biện pháp cứng rắn nhất tại Na Uy trong thời bình. Bây giờ là lúc trở lại cuộc sống hàng ngày bình thường", Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phát biểu trong cuộc họp báo.
Do quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các địa điểm văn hóa, thể thao và nhà hàng được hoạt động hết công suất thay vì chỉ một phần chỗ ngồi. Hộp đêm cũng được phép tái mở cửa. Khoảng 76% dân số Na Uy đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong khi 67% đã tiêm đầy đủ, theo Viện Y tế Công Cộng Na Uy.
Tuy nhiên, Thủ tướng Solberg cảnh báo những người nhiễm nCoV vẫn phải cách ly để tránh làm lây lan virus, nói thêm rằng "đại dịch vẫn chưa kết thúc". "Mọi người vẫn sẽ nhiễm virus, nên điều quan trọng là cần tiêm chủng", bà nói.
Tại Đông Nam Á, giới chức Singapore hôm 24/9 quyết định siết các biện pháp hạn chế một lần nữa, trong bối cảnh số ca nhiễm mới lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong giải thích rằng quyết định này giúp giảm tốc độ tăng ca nhiễm và tránh tình trạng nhân viên y tế phải làm việc quá sức.
Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 27/9 tới 24/10, tối đa hai người được phép cùng dùng bữa tại nhà hàng, với điều kiện họ đã có thẻ xanh Covid. Quy mô các cuộc tụ họp xã hội cũng sẽ bị thu hẹp. Chế độ làm việc từ xa sẽ trở thành mặc định đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp và người lao động không thể làm việc từ xa được khuyến cáo tự xét nghiệm hàng tuần.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP)