Ghyslain Wattrelos, công dân Pháp mất vợ và hai con sau khi chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích năm 2014, tuần trước tiết lộ các điều tra viên của Pháp đã phát hiện những chi tiết mới trong vụ việc này.
"Họ nhận ra có một lô hàng bí ẩn nặng 89 kg được thêm vào danh sách của chuyến bay sau khi cất cánh. Một container cũng bị quá tải nhưng không ai rõ lý do. Các chuyên gia không đưa ra kết luận nào. Đây sẽ là một trong các câu hỏi dành cho phía Malaysia", Wattrelos cho biết.
Thông tin này xuất phát từ một báo cáo của các điều tra viên thuộc lực lượng hiến binh vận tải hàng không Pháp về những hành khách và hành lý trên chiếc Boeing 777. Họ đã tới trụ sở của hãng Boeing ở Seattle, Mỹ và thu thập được thêm thông tin, nhưng có thể mất một năm để điều tra.
Chuyến bay MH370 chở 239 người xuất phát từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc biến mất vào ngày 8/3/2014 và được cho là rơi ở cực nam Ấn Độ Dương. Báo cáo do chính phủ Malaysia công bố hồi tháng 7/2018 cho biết phi cơ có khả năng được điều khiển có chủ đích, nhưng không kết luận dứt khoát về những gì đã xảy ra do không tìm thấy hộp đen máy bay.
Hàng hóa trên chuyến bay từ lâu đã trở thành tâm điểm trong cuộc thảo luận về vụ mất tích bí ẩn này. Cựu giám đốc điều hành Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya từng tiết lộ có 200 kg pin lithium xuất hiện trên chiếc Boeing 777, sau đó công ty kho vận NNR Global xác nhận số pin này nằm trong 2.453 kg hàng hóa mà họ đã chuyển cho MH370.
Hồi tháng 5/2018, gia đình các nạn nhân vụ MH370 kêu gọi chính phủ Malaysia công bố đầy đủ danh sách hàng hóa trên chuyến bay. "Không thể tin được rằng chúng tôi vẫn chưa biết chính xác có những gì trong khoang hành lý. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu công bố danh sách nhưng hãng hàng không vẫn chưa tiết lộ", Danica Weeks, một góa phụ người Australia, cho biết.
Pháp là quốc gia duy nhất vẫn tiến hành cuộc điều tra tư pháp về MH370. Malaysia, Trung Quốc và Australia đã ngừng chiến dịch tìm kiếm dưới đáy biển phía nam Ấn Độ Dương tiêu tốn hơn 141 triệu USD vào tháng một năm ngoái vì không phát hiện bất kỳ dấu vết nào của máy bay. Chiến dịch tìm kiếm thứ hai, kéo dài ba tháng, do công ty Ocean Infinity của Mỹ dẫn đầu, cũng kết thúc vào tháng 5/2018 mà không đạt kết quả.
Ánh Ngọc (Theo Daily Mail)