Bộ Ngoại giao Pháp hôm nay ra tuyên bố tái khẳng định cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, bộ này cũng nói rằng lãnh đạo Israel được hưởng quy tắc miễn trừ áp dụng cho quốc gia không phải thành viên ICC.
"Một quốc gia không thể bị buộc phải hành động theo cách không phù hợp với nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế liên quan quyền miễn trừ dành cho bên không phải thành viên ICC. Quyền miễn trừ như vậy áp dụng đối với Thủ tướng Netanyahu cùng các bộ trưởng, và cần được xem xét nếu ICC yêu cầu chúng tôi bắt và giao nộp họ", Bộ Ngoại giao Pháp cho hay.
ICC hôm 21/11 phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant và thủ lĩnh cánh vũ trang của Hamas Ibrahim Al-Masri, còn gọi là Mohammed Deif, với cáo buộc về tội tác chống lại loài người và tội ác chiến tranh trong xung đột Gaza.
Theo đó, 124 nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt nếu ông Netanyahu, ông Gallant và Deif tới lãnh thổ của họ. Israel không phải thành viên ICC.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết lệnh bắt của ICC có tính "ràng buộc" và cần được thực hiện. Tuy nhiên, không giống một số quốc gia châu Âu, Pháp duy trì lập trường thận trọng hơn đối với các lệnh bắt.
Pháp tham gia nỗ lực chấm dứt giao tranh ở Trung Đông và cùng Mỹ đóng vai trò trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Israel - Lebanon có hiệu lực ngày 27/11.
Điều 27 của Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, nói rằng quyền miễn trừ "sẽ không ngăn tòa thực thi quyền hạn đối với một người". Tuy nhiên, Điều 98 quy định một quốc gia không thể "hành động trái với nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế liên quan quyền miễn trừ ngoại giao của một người".
Huyền Lê (Theo AFP)