14h ngày 7/6, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79), ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB) và các đồng phạm được đưa đến TAND Cấp cao tại TP HCM.
Sau gần hai tuần xét xử và nghị án, tòa phúc thẩm sẽ đưa ra phán quyết về đơn kêu oan của Vũ "Nhôm", kháng cáo xin xem xét lại bồi thường của ông Bình và xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo khác.
Vẻ mặt đăm chiêu khi được đưa vào phòng xử, Vũ chắp hai tay quay xuống dưới cúi chào người thân, sau đó nói chuyện với luật sư của mình. Một số luật sư khác cũng tranh thủ trao đổi nhanh với thân chủ.
Trong một tiếng đầu phiên làm việc, chủ tọa Nguyễn Hữu Ba tóm tắt lại nội dung vụ án, quan điểm bên buộc tội và gỡ tội.
Theo HĐXX, năm 2014, cần tiền để thanh khoản, ông Bình chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng. Bình bàn với Vũ bán cho Công ty Bắc Nam 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nắm quyền chi phối DAB. Vũ thế chấp cho ngân hàng 220 lô đất tại Đà Nẵng nhưng chỉ được phê duyệt 400 tỷ đồng, còn thiếu 200 tỷ nên ông Bình chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu khống của Vũ.
DAB sau đó tăng vốn điều lệ không thành nên ngày 8/4/2014 ông Bình chỉ đạo chuyển trả Công ty Bắc Nam 79 số tiền gốc 600 tỷ đồng (bao gồm cả 200 tỷ trước đó thu khống của Vũ) và hơn 9,5 tỷ tiền lãi. Quá trình xét xử Vũ nói mình không phạm tội, 200 tỷ đồng là vay cá nhân ông Bình chứ không biết đó là tiền của ngân hàng.
Bị cáo Bình thừa nhận đã chủ động chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh treo quỹ DAB 200 tỷ đồng để chuyển cho Vũ và không cho Vũ biết. Tuy nhiên, quá trình điều tra xét xử, ông Bình xác nhận có bàn bạc với Vũ về việc mua cổ phần DAB và chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu khống tiền. Thực tế, Vũ không có tiền mặt và đã ký vào hai giấy nộp tiền khống.
"Hành vi ký khống của Vũ dù không bàn bạc cụ thể nhưng giúp sức cho Bình rút tiền của DAB, gây thiệt hại cho ngân hàng, nên có căn cứ xác định bị cáo đồng phạm với Bình về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 17 năm tù là không oan, không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt", bản án phúc thẩm nêu lý do bác đơn kêu oan của Vũ "Nhôm".
HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt Vũ 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bản án 8 năm tù TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó (đã có hiệu lực), bị cáo phải nhận 25 năm tù.
Đối với Trần Phương Bình, HĐXX cho rằng bị cáo là người chủ mưu đề ra chủ trương, chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó giám đốc DAB) và các thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho DAB gần 3.600 tỷ đồng. Trong đó, Bình chiếm đoạt sử dụng cá nhân hơn 2.000 tỷ đồng, chỉ đạo cấp dưới chi sai nguyên tắc 1.560 tỷ đồng.
Ông Bình kháng cáo xin chịu toàn bộ trách nhiệm dân sự thay các bị cáo thuộc cấp. Tuy nhiên, các bị cáo này gây thiệt hại cho DAB nên phải chịu trách nhiệm khắc phục, trong đó bị cáo Bình chịu trách nhiệm chính. Hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần có mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, tòa cũng xem xét vai trò, hoàn cảnh và các tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo.
Từ đó, tòa giữ nguyên án chung thân đối với Trần Phương Bình về 2 tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nguyên là cấp phó của ông Bình, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến có vai trò giúp sức tích cực dẫn đến thiệt hại 1.574 tỷ đồng và chiếm đoạt 40 tỷ đồng của ADB. Hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng nên không được giảm án, giữ nguyên hình phạt 30 năm tù cho cả hai tội danh.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan, Trang Tài Tâm, Nguyễn Hồ Bảo Quốc, Nguyễn Thị Thanh Hoa (nguyên là nhân viên của DAB), HĐXX xác định họ làm công ăn lương, cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả. Các bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo nên tòa giảm án cho Lan từ 9 năm xuống 7 năm tù; Quốc, Hoa, Tâm chuyển từ tù giam sang 2 năm 6 tháng tù treo. Các bị cáo còn lại HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm.
HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ dấu hiệu tội phạm trong việc Vũ "Nhôm" nhận từ ông Bình 13,4 triệu USD; các vấn đề liên quan Võ Thị Kim Anh (Kế toán trưởng Hội sở DAB); Trần Huy Nam (nguyên Giám đốc DAB Chi nhánh Gia Định)...; làm rõ trách nhiệm của những cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP HCM, Công ty Kiểm toán TNHH Ernst and Young VN trong việc kiểm toán, kiểm quỹ nhưng không phát hiện ông Bình sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa kết thúc, Vũ "Nhôm" quay xuống tranh thủ dặn dò người thân trước lúc lên xe về trại giam.
Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm điều hành hoạt động của DAB, ông Bình và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt sai phạm gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng. Cựu Tổng giám đốc bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ, trong đó đã chuyển cho Vũ hơn 200 tỷ qua việc ký khống hồ sơ mua bán cổ phần; mua giúp 13,4 triệu USD nhưng Vũ chưa trả lại cho DAB. Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, Phan Văn Anh Vũ đã "khắc phục" 203 tỷ đồng.
Hơn 1.500 tỷ đồng thiệt hại còn lại là do ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ sai nguyên tắc. Cụ thể: 470 tỷ chi lãi ngoài để huy động vốn, 385 tỷ đồng kinh doanh ngoại hối, hơn 610 lượng vàng tài khoản, 53 tỷ trong việc tất toán khống khoản vay 1.900 lượng vàng cho bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ Công an TP HCM).
Ngày 20/12/2018, TAND TP HCM tuyên phạt các bị cáo mức án như trên. Vũ kêu oan, cho rằng không biết số tiền đó của DAB mà là vay cá nhân ông Bình, nên không phạm tội.
Tại phiên xử phúc thẩm lần này, cựu Chủ tịch Công ty Bắc Nam giữ nguyên quan điểm, xin HĐXX thận trọng khi đưa ra phán quyết, xem xét các chứng cứ có thật và xét xử mình theo đúng pháp luật.
Ông Bình kháng cáo xin nhận toàn bộ trách nhiệm bồi thường cho cấp dưới vì họ không được hưởng lợi. Ông cũng xin tòa phúc thẩm xem xét lại số tiền bồi thường và lãi suất. Các bị cáo còn lại xin xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Hải Duyên