Francis Galton (1822-1911, người Anh) đặt nền móng cho nghiên cứu vân tay học, nhưng người tiên phong giúp phổ biến bộ môn nghiên cứu này ra thế giới lại là Juan Vucetich (1858-1925, người Argentina). Qua vụ giết người xảy ra vào năm 1892 tại Argentina, Juan Vucetich đã cho thấy được tiềm năng của bằng chứng dấu vân tay trong việc xác định kẻ gây án.
Tháng 6/1892, người dân phát hiện người phụ nữ 27 tuổi Francisca Rojas bị thương nặng nằm cạnh thi thể hai con tại nhà riêng ở thị trấn Necochea, gần thủ đô Buenos Aires, Argentina.
Francisca Rojas khẳng định ba mẹ con bị người đàn ông sống gần nhà tấn công khi chị từ chối tình cảm của người này. Cảnh sát sau đó bắt và tra khảo người nghi phạm bằng nhiều phương thức gây đau đớn (thậm chí trói vào thi thể nạn nhân rồi để qua đêm) nhưng người đàn ông một mực kêu oan, nói mình ở cùng bạn khi án mạng xảy ra.
Không có lời thú tội, nhà chức trách tập trung vào thu thập dấu vết ở hiện trường, qua đó tìm thấy dấu vân tay dính máu trên cánh cửa phòng ngủ. Phần cánh cửa có vật chứng được tách ra và chuyển cho thanh tra Juan Vucetich vì ông là người tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng dấu vân tay vào phân tích pháp y và xác định danh tính cá nhân. Sau khi đối chiếu, thanh tra phát hiện dấu vân tay tại hiện trường không khớp với nghi phạm mà lại trùng với nạn nhân Francisca Rojas, trong khi cô này nói không chạm vào thi thể các con.
Trước bằng chứng mới, Francisca Rojas đã thừa nhận hành vi giết người và đổ tội cho hàng xóm. Francisca Rojas nói gây án do muốn kết hôn với bạn trai nhưng người này còn chần chừ vì ghét trẻ con. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bằng chứng dấu vân tay được dùng để xác định kẻ gây án.
Francisca Rojas bị tuyên án chung thân.
Sau vụ án, cảnh sát Argentina lập tức nhận ra "quyền năng" của dấu vân tay và bắt đầu ứng dụng phương pháp phân loại vân tay của thanh tra Juan Vucetich. Tới 1904, Juan Vucetich xuất bản cuốn sách So sánh phân tích vân tay gây tiếng vang lớn. Ít lâu sau, ông đi khắp thế giới để diễn thuyết về nghiên cứu của mình và sự quan trọng của phân loại vân tay, qua đó bày tỏ mong muốn chính phủ thành lập cơ quan chính trị và dân sự trung ương phụ trách vấn đề nhận dạng, thay vì chỉ cảnh sát.
Tầm nhìn của Juan Vucetich không nhận được đồng thuận, bằng chứng là khi chính quyền Argentina thời bấy giờ thông qua đạo luật buộc toàn bộ dân chúng phải lấy dấu vân tay vào năm 1916, nhiều người đã chống đối, thậm chí thiêu cháy kho hồ sơ vân tay. Đạo luật cuối cùng bị bãi bỏ. Tuy vậy, Argentina sau đó vẫn trở thành quốc gia đầu tiên chỉ sử dụng dấu vân tay để nhận dạng cá nhân.
Sau Argentina, bằng chứng dấu vân tay bắt đầu được công nhận tại các nơi khác trên thế giới. Năm 1901, dấu vân tay trở thành yếu tố quan trọng trong quy trình thu thập vật chứng của sở cảnh sát London. Ấn Độ, Mỹ, và Canada đều lần lượt theo sau trong những năm tiếp theo.
Trải qua nhiều bước phát triển từ sau vụ án mạng năm 1892, cho tới nay, tầm quan trọng của dấu vân tay trong điều tra tội phạm đã trở nên rõ ràng.
Quốc Đạt (Theo Obscure Histories, History)