Bộ Công an thông báo ngày 18/3/2019 tại Hà Nội diễn ra vòng đàm phán thứ hai dự thảo Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hai bên nhất trí cho rằng việc đàm phán Hiệp định là hướng tới mục đích tái hòa nhập cộng đồng, giúp công dân hai nước khi phạm tội và bị kết án có thể trở lại quê hương để bắt kịp với cuộc sống bên ngoài sau khi chấp hành xong bản án. Hiệp định vừa thể hiện chính sách nhân đạo của Việt Nam, đồng thời có thể đem lại tác động tích cực trên nhiều phương diện như ngoại giao, tư pháp, tăng cường hợp tác quốc tế.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tính đến tháng 6/2017, tại Nhật Bản có gần 240.000 người mang quốc tịch Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ tư tại quốc gia này. Tới ngày 1/10/2017, hơn 17.000 công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Japanese Law Translation đưa tin, theo điều 2 Luật Dẫn độ của Nhật Bản, một số trường hợp yêu cầu dẫn độ sẽ bị từ chối như:
- Hành vi phạm tội bị yêu cầu dẫn độ là hành vi phạm tội chính trị;
- Yêu cầu dẫn độ bị coi là có mục đích trừng phạt hành vi phạm tội chính trị của người bỏ trốn;
- Hành vi phạm tội bị yêu cầu dẫn độ không bị trừng phạt bằng án tử hình, tù chung thân, hoặc tù giam trên ba năm hoặc hơn theo pháp luật hiện hành của quốc gia yêu cầu.
- Hành vi cấu thành tội phạm bị yêu cầu dẫn độ không bị trừng phạt bằng án tử hình, tù chung thân, hoặc tù giam trên ba năm hoặc hơn theo pháp luật hiện hành của Nhật Bản;
- Hành vi cấu thành tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được thực hiện tại Nhật Bản, hoặc phiên tòa xét xử hành vi này được tiến hành tại Nhật Bản nhưng việc áp dụng, thi hành hình phạt với người bỏ trốn lại bị cấm theo pháp luật hiện hành Nhật Bản.
- Không có căn cứ hợp lý cho rằng người bỏ trốn đã thực hiện hành vi bị yêu cầu dẫn độ, trừ phi người này đã bị kết án tại quốc gia yêu cầu.
- Người bỏ trốn đang bị truy tố trước tòa án Nhật Bản về một hành vi tội phạm khác với tội phạm bị yêu cầu dẫn độ, hoặc khi người bỏ trốn đã bị tòa án Nhật Bản tuyên phạt về hành vi tội phạm bị yêu cầu dẫn độ nhưng chưa chấp hành xong bản án hoặc bản án vẫn còn có thể được thực thi.
- Việc truy tố hành vi cấu thành tội phạm bị yêu cầu dẫn độ đang diễn ra tại tòa án Nhật Bản, hoặc phán quết trong vụ việc ấy đã có tính chung cuộc.
- Người bỏ trốn mang quốc tịch Nhật Bản.
Nếu giữa Nhật Bản và quốc gia yêu cầu có ký kết Hiệp định dẫn độ, điều 3, 4, 8, và 9 sẽ được xử lý theo Hiệp định.