Khi có tranh chấp pháp lý phát sinh, cách giải quyết thông thường và quen thuộc nhất là khởi kiện ra tòa án. Nhưng trước viễn cảnh vụ việc bị tồn đọng, chi phí kiện tụng tại tòa cao, thời gian xét xử kéo dài vì có thể phải trải qua nhiều lần phúc thẩm, một số cá nhân và tổ chức đã lựa chọn phương thức phân xử bằng trọng tài...
Để đưa vụ việc ra trọng tài, hai bên cần tự nguyện thỏa thuận với nhau sẽ sử dụng phương thức này. Bản thỏa thuận có thể được thực hiện trước khi tranh chấp xảy ra (ví dụ như qua hợp đồng làm ăn trước đó, điều ước quốc tế giữa các nước sở tại của các bên liên quan) và cả sau đó.
Có nhiều trung tâm trọng tài trên thế giới, ví dụ: Tòa án trọng tài quốc tế của Phòng thương mại quốc tế (ICC), Tòa án trọng tài quốc tế London (LCIA), Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (ICSID) và Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp (ICDR).
Mỗi trung tâm trọng tài đều có bộ quy tắc riêng nhưng đều có thể hỗ trợ các bên tranh chấp thành lập hội đồng trọng tài dựa trên Quy tắc về trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL). Đây là bộ quy tắc toàn diện, được sử dụng rộng rãi trong quá trình giải quyết tranh chấp quốc tế.
Tố tụng trọng tài thường có một số ưu điểm so với tố tụng tòa án như sau:
- Chi phí: Thông thường, tố tụng trọng tài có chi phí thấp hơn so với tòa án, trừ một số trường hợp mà vấn đề tranh chấp rất phức tạp, quá trình tố tụng phải kéo dài.
- Tốc độ: Tố tụng trọng tài thường tuân theo lịch trình cụ thể và chi tiết hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, trọng tài viên thường không phải xử lý số lượng lớn vụ việc như thẩm phán nên có thể đưa ra phán quyết nhanh hơn.
- Công bằng: Hội đồng trọng tài thường được các bên cùng thỏa thuận và lựa chọn, hoặc thông qua dịch vụ trọng tài bên thứ ba, hoặc thông qua các cách khác mà các bên đồng ý. Như vậy, không bên nào có toàn quyền quyết định người phân xử.
- Tính chung thẩm: Trong hầu hết các trường hợp, phán quyết của trọng tài thường rất khó để bị xét lại, khác với việc phúc thẩm nhiều cấp của tòa án. Một khi đã có kết quả giải quyết tranh chấp, phán quyết ấy thường sẽ có tính chung thẩm và có hiệu lực ràng buộc ngay lập tức.
- Quy trình đơn giản hóa: Khởi kiện ở tòa án có thể bao gồm nhiều giấy tờ, nhiều phiên điều trần, lệnh triệu tập, và các thủ tục tương tự. Nhưng tố tụng trọng tài có thể giảm thiểu một số hoặc nhiều thủ tục tố tụng tốn kém về thời gian và tiền bạc.
- Bảo mật: Tố tụng trọng tài không được tổ chức công khai như tố tụng tòa án. Bản ghi chép diễn biến phiên làm việc cũng không được coi là tài liệu công khai nên các bên tham gia sẽ được bảo đảm bí mật, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan bí mật kinh doanh.
Tính bảo mật là yếu tố được nhấn mạnh trong tố tụng trọng tài và cũng là một trong những lý do các bên tranh chấp lựa chọn phương thức này. Ví dụ khoản 4, điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 của Việt Nam quy định một trong những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là "tiến hành không công khai, trừ khi các bên có thỏa thuận khác". Hoặc điều 34 của Bộ quy tắc trọng tài của UNCITRAL phiên bản 2010 hoặc 2013 quy định: "Phán quyết của trọng tài chỉ được công khai nếu có sự nhất trí của các bên tham gia".
Tuy nhiên, hình thức trọng tài cũng có một số nhược điểm. Với bên thua cuộc, phán quyết của hội đồng trọng tài thường rất khó để bị lật ngược, trừ phi chứng minh được trọng tài viên có ác ý hoặc thiên vị. Thông tin về phiên làm việc của hội đồng trọng tài không được công khai nên nhiều người cho rằng điều này có thể che giấu sự thiên vị. Chi phí trọng tài cũng có xu hướng ngày càng đắt đỏ. Hơn nữa, nếu một bên cố ý không tuân theo phán quyết, bên còn lại sẽ phải nhờ tới sự can thiệp của cơ quan thi hành án của nhà nước vì hội đồng trọng tài không có thẩm quyền cưỡng chế thi hành.
Quốc Đạt (Theo Findlaw, International Arbitration Law)