Ngày 10/1, UBND Đà Nẵng khen thưởng ba tổ tuần tra, chốt chặn mang tên "lực lượng cảnh sát 911" vì phát hiện và xử lý nhiều vụ sai phạm trong những ngày qua.
Thành lập ngày 28/12/2018, cảnh sát 911 gồm 36 chiến sĩ đến từ cảnh sát hình sự, ma tuý, cơ động, cảnh sát giao thông... Lực lượng này đã ra quân sáu đợt tại 14 vị trí và bốn khu vực phức tạp và tiềm ẩn về an ninh trật tự tại Đà Nẵng
Qua kiểm tra 600 lượt người và phương tiện, cảnh sát 911 phát hiện gần 500 trường hợp vi phạm. Trong đó, 11 người có dấu hiệu cho vay nặng lãi; bốn người tàng trữ cỏ Mỹ; 14 người tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ; 14 người sử dụng trái phép chất ma tuý...
"Đáng ra lực lượng này ra đời sớm hơn. Cảnh sát 911 sẽ dẹp loạn trên đường phố để những kẻ có ý định phạm tội nhụt chí", tướng Vũ Xuân Viên (Giám đốc Công an Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo 911) chia sẻ. Việc ra mắt 911 là tâm huyết và trăn trở của lãnh đạo công an thành phố khi tình hình tội phạm trên đường phố đang gây bất an cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.
Cảnh sát 911 Đà Nẵng sẽ ra quân liên tục trong ba tháng, sau đó lãnh đạo Công an thành phố sẽ đánh giá hiệu quả để xem xét tăng số lượng cũng như phạm vi hoạt động. Hai tỉnh ở miền Tây đã liên hệ học tập kinh nghiệm để mở lực lượng ở địa phương.
Giải thích về tên gọi 911, tướng Viên cho hay "ban đầu cũng là tuỳ hứng". Hiện một số địa phương đã lập "lực lượng phản ứng" nhanh với cách thức hoạt động không quá khác biệt song tên gọi mỗi nơi một kiểu. Hà Nội có lực lượng liên ngành 141, TP HCM có lực lượng 363, hai tỉnh miền Tây sắp tới sẽ dùng tên gọi khác. "Chúng tôi đang đề nghị lấy tên 911 và thời gian tới Bộ Công an sẽ gom về một tên gọi", ông nói.
Thời gian tới lực lượng 911 Đà Nẵng sẽ thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức, kết hợp vừa chốt chặn vừa tuần tra để kiểm soát chặt địa bàn. Tuy nhiên đại tá Lê Ngọc Hai (Phó giám đốc Công an Đà Nẵng) nhắc nhở cảnh sát 911 cần tránh việc dừng phương tiện đại trà mà tập trung vào những người có nghi vấn, khi kiểm tra cần tránh vi phạm quyền công dân. Chiến sĩ làm nhiệm vụ phải có thái độ lịch sự, đúng tác phong và tránh những căng thẳng không cần thiết. Các tổ tuần tra, chốt chặn phải hỗ trợ, giám sát lẫn nhau để đảm bảo làm đúng nhiệm vụ, phòng ngừa sai phạm trong chính đội ngũ.
"Những cán bộ không phối hợp tốt sẽ bị xử lý", người đứng đầu Công an Đà Nẵng nói và cho biết đã yêu cầu Trưởng công an quận Thanh Khê kỷ luật Trưởng công an phường Vĩnh Trung. Bởi khi lực lượng 911 áp giải người vi phạm về bàn giao, Trưởng công an phường đã thiếu hợp tác, mặc quần "xà lỏn" ra tiếp nhận.
"Hành vi này là chống lại mệnh lệnh của Giám đốc Công an thành phố về quy chế phối hợp, không thể tha thứ", tướng Viên khẳng định.
Lãnh đạo công an thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ tạo mọi điều kiện và có những hỗ trợ phù hợp để lực lượng đặc nhiệm hoàn thành nhiệm vụ. Tướng Viên cấm cảnh sát 911 có hành vi tiêu cực nếu không sẽ "đánh đổ hết uy tín mà toàn lực lượng đang cố gắng".
"Xã hội bình yên thì người dân sẽ tôn vinh các đồng chí", tướng Viên nói.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở Đà Nẵng dù giảm so với những năm trước nhưng được đánh giá đang diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm và tinh vi. Trong đó nổi lên là tội phạm về trật tự xã hội, cố ý gây thương tích, tội phạm sử dụng công nghệ cao, buôn lậu...
Trong năm 2018, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội xảy ra 23 vụ, (tăng 8 vụ so với năm 2017), gây lo lắng, bất an trong nhân dân. Tội phạm "tín dụng đen" đang tiềm ẩn nguy cơ gây hệ luỵ xấu cho xã hội. Tai nạn giao thông giảm về số lượng người chết nhưng lại tăng số vụ có liên quan ôtô...