Camera gắn thân là loại máy quay có kích thước nhỏ gọn có thể gắn trên đồng phục, mũ đội hoặc kính mắt của cảnh sát, được dùng để ghi âm và ghi hình tương tác giữa cảnh sát và người dân.
Tại thành phố Rialto, bang California, Mỹ, sau một năm thử nghiệm, kết quả cho thấy số ca trực mà cảnh sát gắn camera phải dùng vũ lực (như dùi cui, súng điện và súng sát thương) bằng một nửa so với cảnh sát không gắn camera. Số đơn khiếu nại của người dân với cảnh sát giảm 88% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, lực lượng thực thi pháp luật Mỹ chỉ nhận ra nhu cầu trang bị camera gắn thân sau sự kiện cảnh sát ở thành phố Ferguson (bang Missouri) bắn chết thiếu niên da đen 18 tuổi vào ngày 9/8/2014, Washingtonpost đưa tin. Do không có bằng chứng xác thực, lời khai nhân chứng mâu thuẫn, viên cảnh sát liên quan cuối cùng được miễn truy tố. Và điều này đã châm ngòi cho một số cuộc biểu tình phản đối. Từ đây, nhiều người cho rằng nếu cảnh sát có camera gắn thân, vụ việc sẽ được làm sáng tỏ, xử lý đúng người đúng tội.
Sau sự kiện, tháng 12/2014, tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất chính phủ liên bang hỗ trợ một nửa chi phí trang bị camera gắn thân cho địa phương, tương đương 75 triệu USD trong vòng ba năm. Tháng 9/2015, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ công bố chi 23,2 triệu USD tiền trợ cấp cho 73 cơ quan địa phương tại 32 bang để nghiên cứu và trang bị camera gắn thân. Theo thống kê, từ 2014 tới tháng 4/2018, khoảng 1/3 trong số 18.000 cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ đã trang bị camera gắn thân cho cảnh sát.
Theo Policeone, nhiều người cho rằng sự hiện diện của camera gắn thân sẽ tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cảnh sát, cải thiện lòng tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật. Ngoài ra, thiết bị này còn giúp giảm căng thẳng trong quá trình tiếp xúc giữa cảnh sát và người dân, khiến cả hai bên cư xử ôn hòa hơn.
Việc này còn giúp bảo vệ lực lượng thực thi pháp luật trước những khiếu nại ác ý và vô cớ của người dân. Chẳng hạn như tại Phoenix, bang Arizona, số lượng khiếu nại về hành vi không đúng mực của cảnh sát (như quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc...) đã giảm 53,1% sau khi trang bị camera gắn thân.
Từ góc độ quản lý, camera gắn thân có thể giúp người lãnh đạo nhận ra thiếu sót của thuộc cấp cần phải được xử lý từ sớm để tránh trở nên nghiêm trọng hơn (ví dụ thường dừng xe kiểm tra thiếu căn cứ hợp lý). Công cụ này còn hỗ trợ nghiên cứu cải thiện chiến thuật hoặc đào tạo thế hệ cảnh sát mới qua tình huống thật, giúp có hiệu quả huấn luyện nhanh hơn, thuận tiện hơn.
Một lợi ích khác của camera gắn thân là tái hiện diễn biến vụ việc, cung cấp bằng chứng trong tố tụng. Chẳng hạn, trong trường hợp bạo hành gia đình, nạn nhân đôi khi bị nghi phạm hành hung nhưng quá sợ hãi không muốn đâm đơn khởi kiện hoặc không có đủ bằng chứng truy tố. Băng ghi hình từ camera gắn thân sẽ có thể ghi lại trực tiếp thương tích, thái độ và phản ứng của nạn nhân để phục vụ truy tố.
Tuy vậy, tại Mỹ một số cá nhân và tổ chức còn tỏ ra quan ngại trước sự hiện diện ngày càng phổ biến của camera gắn thân cảnh sát. Theo những người này, camera gắn thân có thể xâm phạm quyền riêng tư của công dân, làm lộ danh tính của nạn nhân và nhân chứng, thậm chí có tác động tiêu cực tới hiệu quả công việc và tâm lý của người cảnh sát.
Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất của dự án camera gắn thân là chi phí. Loại được sản xuất bởi Axon, một trong những nhà cung cấp thiết bị ghi hình và súng điện lớn nhất tại Mỹ, có giá từ 400 tới 700 USD mỗi máy. Con số này có thể lên tới 1.200 USD một máy nếu tính thêm các chi phí liên quan như bảo trì, lưu trữ và sao chép dữ liệu. Hợp đồng trang bị camera gắn thân trong bốn năm cho 4.000 cảnh sát của bang Philadelphia vào 2017 lên tới 12,5 triệu USD.
Nhiều người còn lo ngại nếu để quyền quyết định bật tắt camera vào tay cảnh sát, ắt sẽ có lỗ hổng dễ bị lợi dụng. Mỹ chưa có luật ở cấp liên bang điều chỉnh lĩnh vực này, nhưng một số bang đã đặt ra luật để điều chỉnh các vấn đề liên quan.
Chẳng hạn, Hội đồng Thực thi pháp luật và tư pháp hình sự bang Nebraska vào tháng 1/2017 đã đặt ra bộ quy tắc mẫu yêu cầu cảnh sát bật camera khi tiếp xúc với người dân trong quá trình điều tra hoặc khi thấy cần thiết để thực thi pháp luật. Khi vào nhà riêng, cảnh sát đeo camera gắn thân phải thông báo cho gia chủ. Mỗi đoạn ghi hình phải được lưu trữ trong vòng 90 ngày kể từ khi quay. Trong trường hợp đoạn video được dùng làm bằng chứng, đoạn video sẽ được giữ lại cho tới khi có phán quyết cuối cùng. Người dân không được xem đoạn ghi hình ngay tại hiện trường nhưng có thể gửi đơn yêu cầu tới phòng cảnh sát.
Không chỉ có Mỹ, camera gắn thân đã được sử dụng tại Australia, Canada, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan. Anh bắt đầu thử nghiệm camera gắn thân từ 2005 và cho tới nay, 63.000 cảnh sát tại Anh đã được trang bị.
Theo SCMP, cho tới tháng 2/2018, ước tính khoảng 3.000-4.000 cảnh sát Trung Quốc đã được trang bị camera gắn thân, trải khắp các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Nội Mông, Vũ Hán... Sau khi thử nghiệm vào 2013, Hồng Kông (Trung Quốc) dự kiến sẽ trang bị camera gắn thân cho mọi cảnh sát mặc đồng phục vào 2021.