Trong sổ hộ khẩu có yêu cầu xác định rõ đơn vị hành chính, đường phố, số nhà, xác định rõ được chỗ ở hợp pháp và công dân có trách nhiệm đến để làm thủ tục điều chỉnh khi có thay đổi.
Đối chiếu khoản 3 Điều 1 Nghị định 56/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú: điểm a khoản 1 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau: a) Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ sau đây:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên...
Như vậy, vợ chồng bạn chưa xây nhà trên đất thì không có đủ giấy chứng nhận quyền sở hữa nhà ở, giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó) để đăng ký hộ khẩu trên mảnh đất của vợ chồng bạn.
Do đó vợ chồng bạn phải xây dựng nhà trước rồi bạn thay đổi nơi đăng ký thường trú từ nhà bố mẹ đẻ sang nhà mới của hai vợ chồng, theo Điều 23 Luật cư trú (Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú).
Căn cứ Điều 19 "công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”, chồng bạn có chỗ ở hợp pháp tại thành phố Buôm Ma Thuột nên có đủ điều kiện để đăng ký thường trú tại nhà mới xây ở thành phố Buôn Ma Thuột. Khi đó con bạn cũng được đăng ký hộ khẩu thường trú theo hộ khẩu thường trú của bố mẹ.
Điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở
Vợ chồng bạn muốn xây dựng nhà trên mảnh đất mới mua này phải có một trong những loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu làm nhà trên nền đất trống.
- Quyết định giao đất, cho thuê đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ địa chính mà không có tranh chấp.
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp.
- Giấy tờ thừa kế nhà, đất được UBND phường xã xác nhận về thừa kế, không có tranh chấp.
- Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật.
- Giấy tờ chuyển nhượng đất đai, mua bán nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất ở được UBND phường/xã/thị trấn, quận/huyện xác nhận không có tranh chấp.
Chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như yêu cầu ở trên, bạn sẽ đủ điều kiện để được cấp giấy xây dựng nhà ở.
Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng
Mảnh đất của vợ chồng bạn thuộc phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, do đó bạn phải xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở đô thị.
Căn cứ Điều 20 Nghị định 12/2009/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng công trình và nhà ở đô thị bao gồm:
- Đơn xin cấp Giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục IV kèm theo Nghị định này. Trường hợp xin cấp Giấy phép xây dựng tạm có thời hạn, trong đơn xin cấp Giấy phép xây dựng còn phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng.
- Bản sao một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Bản vẽ thiết kế thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng chính; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ vị trí hoặc tuyến công trình; sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải.
Riêng đối với công trình sửa chữa, cải tạo yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng thì phải có ảnh chụp hiện trạng công trình.
Theo Điều 23 Nghị định 12/2009/NĐ- CP, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ ở đô thị do Uỷ ban nhân dân cấp huyện thuộc địa giới hành chính do UBND quản lý.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Giám đốc công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội