Theo Luật Phòng, chống ma túy 2008 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại địa phương... nhưng không từ bỏ được ma túy sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, áp dụng Nghị định 221/2013 có hiệu lực từ 15/2/2014, việc xem xét, quyết định đưa người vào trại cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của tòa án.
Pháp lệnh số 9/2014/UBTVQH13 quy định, khi nhận hồ sơ do chính quyền gửi tới, thẩm phán sẽ ra quyết định mở phiên họp xem xét. Người bị đề nghị đưa vào trại cai nghiện bắt buộc hoặc cha mẹ, người giám hộ của họ có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Những người có mặt trong phiên họp gồm: thẩm phán, thư ký phiên họp, đại diện cơ quan đề nghị, kiểm sát viên, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trong một số trường hợp, tòa án có thể yêu cầu chuyên gia y tế, giáo dục, tâm lý, đại diện của nhà trường... tham gia để trình bày ý kiến về các vấn đề có liên quan.
Tại phiên họp, những người tham gia sẽ tranh luận về điều kiện áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc, hình thức, biện pháp... Kiểm sát viên sẽ phát biểu ý kiến và cuối cùng thẩm phán công bố quyết định áp dụng hoặc không áp dụng cai nghiện bắt buộc với người bị đề nghị.
Người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định của tòa án trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định. Tòa án sau đó sẽ xem xét ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận nội dung khiếu nại nhưng không tổ chức phiên họp.
Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm: bản tóm tắt lý lịch; phiếu trả lời về tình trạng nghiện ma túy; bản tường trình của người vi phạm, tài liệu chứng minh đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn... |
Bảo Hà