Điều 248 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội Đánh bạc: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm…”.
Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể như sau:
1. “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
2. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét. Cụ thể như sau:
a) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc;
b) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 2.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó…
3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:
a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này…
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người đánh bạc cũng bị truy cứu hình sự. Việc truy cứu hình sự chỉ áp dụng đối với những trường hợp đánh bạc được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng trở lên và những trường hợp khác mà Điều 248 Bộ luật Hình sự đã quy định.
Nếu đánh bạc trái phép mà giá trị tiền hay hiện vật dưới 2 triệu đồng và không thuộc đối tượng quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự thì người đánh bạc chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc theo quy định tại Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 với mức xử phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội