Thành Trung
Trả lời:
Điều 4 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, về nguyên tắc, nhà nước chỉ công nhận mỗi công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Việt Nam cũng công nhận công dân được mang cả quốc tịch nước ngoài. Điều này phụ thuộc vào luật của nước sẽ nhập quốc tịch (thứ hai) và điều kiện áp dụng của luật Việt Nam. Có một số nước chấp nhận đa quốc tịch như: Australia, Anh, Pháp, Mỹ, Canada…. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nước không chấp nhận đa quốc tịch như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore... Người xin nhập quốc tịch các nước này đều phải có chứng nhận đã từ bỏ quốc tịch hiện tại của mình.
Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: “Người định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch”. Như vậy, theo quy định trên, công dân định cư ở nước ngoài chưa thôi hoặc không bị tước quốc tịch Việt Nam thì vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Để thực hiện điều này, họ phải đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trước ngày 1/7/2014 - tức là trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật Quốc tịch năm 2008 có hiệu lực (1/7/2009-1/7/2014).
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho công dân định cư ở nước ngoài vẫn được mang quốc tịch Việt Nam, tại khoản 2 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch năm 2014 đã quy định về "người có quốc tịch Việt Nam" như sau: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam”.
Với quy định trên, kể từ ngày 24/6/2014, việc không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ không còn là thủ tục bắt buộc để giữ quốc tịch Việt Nam nữa. Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch Việt Nam và chưa bị mất quốc tịch thì dù không đăng ký giữ cũng sẽ vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Việc giữ quốc tịch này không làm ảnh hưởng đến việc họ nhập quốc tịch nước sở tại (nơi họ sinh sống).
Cần lưu ý là việc công nhận công dân Việt Nam được mang 2 quốc tịch chỉ áp dụng với người định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch Việt Nam và chưa bị mất quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam “thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép” (khoản 3 Điều 19 Luật quốc tịch 2006). Đó là người thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, đối với trường hợp bạn hỏi, bạn được mang hai quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và Mỹ, nếu không rơi vào trường hợp bị tước quốc tịch Việt Nam.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội