Theo Điều 648 Bộ luật dân sự năm 2005, quyền của người lập di chúc được quy định như sau:
“Điều 648.Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản”.
Theo quy định nói trên, bố mẹ bạn là người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo mong muốn của mình. Vậy trong trường hợp bốmẹ bạn lập di chúc để lại di sản thừa kế cho một mình bạn là không trái pháp luật.
Tuy nhiên Điều 669 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:
"Điều 669: Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.
Như vậy, nếu các em bạn là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động thì đây là những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Họ sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 của người thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc của bố mẹ bạn.
Tóm lại, bố mẹ bạn có quyền lập di chúc để lại toàn bộ di sản thừa kế cho một mình bạn. Tuy nhiên, trong trường hợp có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 669 thì pháp luật vẫn sẽ dành chia một phần di sản thừa kế của bố mẹ bạn cho những người đó và bạn chỉ được hưởng phần còn lại của khối di sản được thừa kế theo di chúc.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội