Điều 279 và Điều 289 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi năm 2009 quy định về Tội nhận hối lộ và Tội đưa hối lộ như sau:
“Điều 279: Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm…”.
“Điều 289: Tội đưa hối lộ
1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, bị phạt tù từ một năm đến 6 năm…”.
Theo đó, người nhận hối lộ là người nhận tiền, tài sản “dưới bất kỳ hình thức nào” để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích, theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Vì vậy trong trường hợp này, nếu bạn có ý định lì xì số tiền lớn cho con của sếp - nếu chứng minh được mục đích của việc lì xì là nhờ sếp giúp đỡ để được lên chức - hành vi đó có thể coi là một hình thức đưa hối lộ và người này có thể bị xử lý theo Điều 289 Bộ luật hình sự nêu trên.
Về quy định nhận quà đối với cán bộ, công chức, viên chức, Điều 40 Luật phòng, chống tham nhũng 2005 quy định:
“1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị không được sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước làm quà tặng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
3. Nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi”.
Ngoài ra quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Chính phủ quy định việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, có sử dụng ngân sách nhà nước như sau:
“Điều 6: Các cơ quan, đơn vị và cá nhân chỉ được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng trong những trường hợp mà chế độ nhà nước đã quy định cho phép”.
“Điều 7: Việc tặng quà theo quy định tại Quy chế này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan phải thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị theo chế độ quy định”.
“Điều 9: Các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật. Quà tặng phải được công khai, quản lý và sử dụng theo đúng các quy định tại Quy chế này. Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được, cơ quan, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Mục 3 Quy chế này”.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức được tặng và nhận quà tặng và phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật, nghiêm cấm các trường hợp lợi dụng việc tặng và nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác để vụ lợi.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội