Để thuận lợi cho học viên, sinh viên trong việc học tập, đi lại, Thông tư số 15/2014/BCA của Bộ Công an về đăng ký xe cho phép học viên, sinh viên có thể được đăng ký xe tại nơi mình đang theo học.
Cụ thể, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9, học viên, sinh viên, học theo hệ tập trung từ 2 năm trở lên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viện được đăng ký xe.
Với quy định nói trên, về nguyên tắc, bạn được đăng ký xe trên địa bàn Hà Nội. Giấy chứng nhận đăng ký xe mà bạn được cấp có giá trị lâu dài mà không phụ thuộc vào thời hạn của khóa học. Khi kết thúc khóa học vẫn được tiếp tục sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển kiểm soát đã được cấp (kể cả trường hợp chuyển sang tỉnh thành khác sinh sống) mà không cần thay đổi, điều chỉnh gì.
Về thẩm quyền đăng ký xe
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 15 nói trên, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (công an cấp huyện) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện cá nhân trong nước cư trú tại địa phương mình.
Với quy định này, thẩm quyền đăng ký xe cho bạn thuộc cơ quan công an cấp huyện nơi có trụ sở cơ sở đào tạo mà bạn đang học tập.
Về thành phần hồ sơ
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 15/2014/BCA của Bộ Công an về đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe bao gồm: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu); Giấy tờ của chủ xe và Giấy tờ của xe.
Giấy tờ của chủ xe gồm: Chứng minh nhân dân, thẻ học viên, sinh viên, giấy giới thiệu của nhà trường.
Giấy tờ xe gồm: Hóa đơn mua xe theo quy định của Bộ Tài chính (hoặc hợp đồng mua xe có công chứng, chứng thực, nếu mua xe cũ), Biên lai hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc séc qua kho bạc nhà nước (có xác nhận của kho bạc nhà nước đã nhận tiền) hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính.
Trong quá trình đăng ký xe, nếu gặp vướng mắc bạn có thể đề nghị cơ quan đăng ký hướng dẫn cụ thể.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội