Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2017 cho phép cá nhân được quyền chuyển đổi giới tính theo quy định của luật. Điều 37 cho phép: Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Theo đó, sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính và thực hiện đăng ký thay đổi hộ tịch, cá nhân đó được pháp luật công nhận có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.
Quyền nhân thân ở đây bao gồm quyền tự do kết hôn theo pháp Luật Hôn nhân và gia đình.
Theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điều kiện kết hôn được quy định như sau:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Như vậy, người đã chuyển đổi giới tính và thay đổi giới tính trên các giấy tờ nhân thân được quyền kết hôn với người khác giới nếu hai người đáp ứng đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội