Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật cư trú năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2013: “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú”.
Theo đó, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Điều luật này cũng giải thích về “chỗ ở hợp pháp” như sau: “Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”
Bạn sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, đã đăng ký thường trú (hộ khẩu) tại Hải Phòng nên Hải Phòng được xác định là nơi thường trú của bạn. Việc bạn lại đang sinh sống và học tập tại Hà Nội nhưng chỉ đăng ký tạm trú và đã được cấp sổ tạm trú nên Hà Nội được xác định là nơi tạm trú của bạn.
Đối với chỗ ở hợp pháp, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý và “việc khám xét chỗ ở do luật định” (Điều 22 Hiến pháp 2013).
Ngoài quy định về quyền đối với chỗ ở hợp pháp được nêu ở trên, công dân có đăng ký thường trú hoặc tạm trú còn có một số quyền nhất định tùy từng trường hợp cụ thể như: Quyền bầu cử, ứng cử (theo Luật Bầu cử); quyền thi công chức (theo pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức); quyền sở hữu đối với bất động sản (theo quy định của pháp luật đất đai).
Luật sư Phạm Thị Thu
Công ty Luật Số 1 – Hà Nội