Điều 12 thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường như sau:
Khi mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định:
Tốc độ lưu hành (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
>60 | 35 |
80 | 55 |
100 | 70 |
120 | 100 |
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ từ 60 km/h trở xuống, trong khu vực đô thị, đông dân cư, lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước. Khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định tại về giữ khoảng cách an toàn.
Xử phạt
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định: Người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “cự ly tối thiểu giữa hai xe” trừ việc thực hiện hành vi vi phạm này trên đường cao tốc thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Trường hợp người điều khiển xe không tuân thủ quy định ghi trên biển báo hiệu về khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Nếu do vi phạm lỗi này mà gây tai nạn giao thông cho người khác thì người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Với người điều khiển xe môttô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo “cự ly tối thiểu giữa hai xe” thì bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.
Đi như thế nào để giữ khoảng cách an toàn?
Theo kinh nghiệm của một số lái xe lâu năm, cần nắm vững quy tắc “2 giây”, khoảng thời gian cần thiết để bạn tiếp nhận thông tin từ phía trước, và đưa ra phản ứng kịp thời với những thay đổi. Ví dụ, nếu bạn đi với tốc độ 40 km/h, thì mỗi giây bạn sẽ đi được quãng đường là 11m, như vậy nếu đi tốc độ này, khoảng cách bạn cần giữ với xe phía trước, trong điều kiện đường khô ráo và thời tiết bình thường là 22m.
Nguyên tắc đơn giản này còn áp dụng được ở bất kỳ tốc độ nào. Bạn nhìn xe phía trước chạy qua một vật nào đó ở bên đường, chẳng hạn như cột đèn, cây hoặc biển báo. Khi xe trước chạy qua vật đó thì bạn bắt đầu đếm giây. Nếu bạn chạy ngang qua vật mà bạn đã chọn trước khi chưa kịp đếm đến 2, tức là bạn đã chạy nối đuôi quá sát.
Chú ý, bạn nên để khoảng cách với xe trước nhiều hơn 2 giây khi trời mưa, sương mù, ban đêm bởi vì khó ước lượng được khoảng cách và phát hiện nguy hiểm trong những điều kiện như thế này.
Cục CSGT