Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 1 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.
Theo quy định vừa trích dẫn ở trên, pháp luật hoàn toàn cho phép việc góp vốn để mua đất và đứng tên chung trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đối với thực trạng hiện nay, trước khi góp vốn để mua đất chung, những người góp vốn cần bàn bạc và thống nhất các nội dung như:
Mục đích sử dụng mảnh đất? Tỉ lệ góp vốn của mỗi người? Góp bằng hiện vật, tiền mặt hay tài sản nào? Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ đứng tên tất cả những người góp vốn hay sẽ cử một người làm đại diện để đứng tên hoặc các thỏa thuận khác không trái với quy định của pháp luật.
Cần lưu ý: Các thỏa thuận nêu trên phải lập thành văn bản và có đầy đủ chữ ký của những người tham gia góp vốn (có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực).
Sau khi đã có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp và văn bản thỏa thuận của các bên, các thành viên góp vốn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp đến Phòng Tài nguyên và môi trường nơi có bất động sản để làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của những người góp vốn: Trong trường hợp này mảnh đất được coi là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của những người cùng góp vốn. Điều 217 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về sở hữu chung hợp nhất như sau:
“1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.
Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung”.Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 222 Bộ luật này còn quy định các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, nếu không có thoả thuận khác.
Những rắc rối có thể gặp phải khi mua đất chung sổ đỏ: Rắc rối lớn nhất khi mua đất chung sổ đỏ là việc khai thác quyền sử dụng đất hoặc khi định đoạt quyền sử dụng đất. Vì đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất nên khi muốn chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng vào các mục đích khác với thỏa thuận, người có nhu cầu phải được sự đồng ý của những người góp vốn khác.
Bên cạnh đó, nếu trước khi góp tiền mua mảnh đất những người góp vốn không thỏa thuận rõ với nhau về việc sử dụng, định đoạt cũng như việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung này, rất dễ dẫn đến các tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội