Khi đi làm, người lao động cần tránh vi phạm kỷ luật lao động nếu không sẽ bị khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức hoặc nặng nhất là sa thải.
Điều 126 của Bộ luật Lao động quy định 3 trường hợp kỷ luật sa thải như sau:
- Các hành vi như trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
- Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
- Tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
Người lao động cũng cần tuân thủ công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động ví dụ như: chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị an toàn lao động…
Là kỹ sư xây dựng, bạn cần quan tâm đến một số hành vi bị cấm được quy định tại Điều 12, Luật Xây dựng 2014 bao gồm:
- Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng;
- Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình;
- Sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường;
-Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng;
- Hoặc dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình…
Hồ Quốc Nam
Công ty EZLAW