Theo khoản 3 Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”.
Khoản 7 Điều 2 Nghị định 10/2015 NĐ- CP ngày 28/1/2015 quy định về người thân thích như sau: “7. Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”.
Như vậy, em gái của em rể không thuộc trường hợp “người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ” nên vợ chồng bạn không thể nhờ người này mang thai hộ mình được
Trong trường hợp bạn tìm được người đáp ứng đủ điều kiện mang thai hộ thì thủ tục nhờ mang thai hộ như sau:
Trước hết, vợ chồng bạn làm hồ sơ theo hướng dẫn tại Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP và gửi đến một trong những cơ sở y tế có có đủ điều kiện về mang thai hộ như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế; Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP HCM.
Hồ sơ đề nghị thực hiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm:
a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
d) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
đ) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
e) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và từng sinh con;
g) Bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
h) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
i) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
k) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
l) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
m) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.”
Nếu hồ sơ bạn gửi đầy đủ các giấy tờ nêu trên, xét thấy cả hai bên đáp ứng được các điều kiện về pháp lý và y học, cơ sở y tế sẽ thực hiện các thủ tục cho mang thai hộ theo quy định của pháp luật.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội