Về mặt pháp lý, khách hàng gửi tiền vào ngân hàng để thực hiện giao dịch bằng thẻ ATM là một dạng hợp đồng gửi giữ tài sản. Thông qua thủ tục làm thẻ, gửi tiền ngân hàng tức là giữa khách hàng và ngân hàng đã kết lập một hợp đồng gửi giữ tài.
Theo điều 559 Bộ luật Dân sự 2005: "Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công".
Theo quy định tại Điều 562, bên giữ tài sản có nghĩa vụ sau:
“1. Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;
2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi;
3. Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí;
4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Bên cạnh đó, theo Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng 2010, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm sau:
“1. Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh;
2. Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi;
3. Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng…”.
Về nghĩa vụ của chủ tài khoản
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19//2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thì chủ tài khoản có các nghĩa vụ sau:
“c) Kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng;
d) Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình…
g) Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình...”.
Đối chiếu các quy định của pháp luật vừa trích dẫn ở trên, khi bạn mở tài khoản tại ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm bảo quản tài sản bạn đã gửi, hỗ trợ thực hiện các giao dịch theo quy định cũng như theo thỏa thuận của hai bên.
Trong trường hợp tiền trong tài khoản của bạn bị mất khi bạn không thực hiện bất kỳ giao dịch nào thì bạn có thể khởi kiện để yêu cầu ngân hàng bồi thường.
Tuy nhiên, để khởi kiện yêu cầu bồi thường thì bạn phải có các chứng cứ để chứng minh cho việc mất tiền là do lỗi của ngân hàng, vì theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN vừa nêu trên thì nếu những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của bạn thì bạn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Trong trường hợp tiền trong tài khoản bị mất một cách bất thường, trước hết bạn cần thông báo ngay cho ngân hàng để ngân hàng có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ngoài ra, trước khi làm đơn khởi kiện yêu cầu ngân hàng bồi thường, bạn nên báo cáo sự việc đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phối hợp cùng ngân hàng và các cơ quan này tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự việc.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội