Theo Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Bên cạnh đó, Điều 83 Luật này còn quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.
Ngoài ra, Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 còn quy định người có hành vi “ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng (trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án).
Như vậy, theo quy định của pháp luật vừa trích dẫn ở trên, việc thăm nom, chăm sóc con vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Do đó, nếu bạn không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của Tòa án thì việc vợ bạn ngăn cản không cho bạn chăm sóc đón con đi chơi là vi phạm quy định của pháp luật.
Để bảo đảm quyền được thăm con của mình, bạn cần làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND cấp xã nơi vợ bạn cư trú, kèm theo các chứng cứ chứng minh hành vi ngăn cản của vợ bạn (như tin nhắn trao đổi, lời làm chứng của những người chứng kiến sự việc...) để cơ quan này có các biện pháp xử lý và yêu cầu vợ bạn chấm dứt hành vi vi phạm.
Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội