Điều 279 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định tội Nhận hối lộ như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm".
Theo các quy định nêu trên, người nhận hối lộ khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù thấp nhất từ 2 năm cho đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội do người đó thực hiện.
Về tội đưa hối lộ
Điều 289 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi năm 2009 quy định:
"1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến 6 năm.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình…”
Theo đó, mức phạt tù đối với người đưa hối lộ theo Điều 289 Bộ luật hình sự là từ 1 năm tù cho đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Cả hai điều luật nêu trên cũng đều quy định 4 khung hình phạt với mức phạt tù cao nhất đều là tù chung thân hoặc tử hình (cho cả người nhận hối lộ và người đưa hối lộ). Nhận và đưa hối lộ là hai tội tương quan chặt chẽ, nếu không có hành vi đưa hối lộ thì không thể có hành vi nhận hối lộ. Do đó, trong cùng một hoàn cảnh, khi áp dụng hình phạt đối với người nhận hối lộ thì người đưa hối lộ cũng có thể bị xử lý với mức phạt tương đương.
Tuy nhiên, khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự cũng quy định: “Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.
Đây là những quy định của pháp luật nhằm khuyến khích, động viên người dân tích cực tố cáo tiêu cực, tham nhũng trong xã hội và cũng là một trong những nguyên nhân “ít thấy xử lý người đưa hối lộ”.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội