Giấy tờ tùy thân là khái niệm phổ biến trong đời sống xã hội, được hiểu là các giấy tờ mà công dân thường mang theo người. Tuy nhiên, trên phương diện pháp luật thì đến nay chưa có văn bản nào định nghĩa giấy tờ tùy thân là gì, gồm những loại giấy nào.
Một số văn bản, quy định một loại giấy tờ cụ thể là giấy tờ tùy thân chứ không mang tính liệt kê. Chẳng hạn, chứng minh nhân dân (Điều 1 Nghị định 05/1999 đã được sửa đổi, bổ sung), hộ chiếu quốc gia (điều 4 Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007, đã được sửa đổi, bổ sung), Thẻ căn cước công dân (Điều 20 Luật Căn cước công dân) là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Căn cứ đặc điểm của các giấy tờ nói trên, giấy tờ tùy thân được hiểu là giấy tờ xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người cụ thể.
Tuy nhiên, nhiều văn bản luật cũng đề cập đến giấy tờ tùy thân trong thành phần hồ sơ của đương sự như Luật Công chứng (điều 35), Bộ luật Lao động (điều 20), Luật Xử phạt vi phạm hành chính (điều 130) nhưng khi vận dụng các luật này thì giấy tờ tùy thân cũng được hiểu khác nhau. Cụ thể, đối với Luật Công chứng thì giấy tờ tùy thân được hiểu theo nghĩa như giấy tờ cá nhân, gồm: chứng minh nhân dân, kết hôn, khai sinh, sổ hộ khẩu...
Đối với Bộ luật Lao động thì giấy tờ tùy thân cũng được hiểu là chứng minh nhân dân, khai sinh, sổ hộ khẩu của người lao động. Đối với Luật xử phạt vi phạm hành chính thì giấy tờ tùy thân của người nước ngoài được hiểu là hộ chiếu hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người nước ngoài như thẻ thường trú, tạm trú.
Trong lĩnh vực hàng không, hành khách mang quốc tịch Việt Nam khi tham gia các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ôtô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay, thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận; giấy của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án; giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Như vậy, căn cứ các quy định nói trên thì đến thời điểm hiện nay, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân. Một số giấy tờ khác trong từng trường hợp cụ thể cũng có thể được xác định là giấy tờ tùy thân của công dân.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội