Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”.
Điều 471 về Hợp đồng vay tài sản quy định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Theo các quy định nêu trên, việc bạn cho người bạn của mình vay 30 triệu đồng đã hình thành một hợp đồng vay tài sản (tiền). Hợp đồng vay tài sản là loại hợp đồng không bắt buộc phải lập thành văn bản. Vì vậy, việc bạn đưa tiền cho người bạn của mình vay và người bạn này đã nhận tiền cho thấy việc giao kết hợp đồng đã hoàn thành, số tiền là đối tượng của hợp đồng đã được chuyển cho người nhận sử dụng, đồng thời người nhận cũng có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn theo khoản 1 Điều 474 Bộ luật dân sự. Cụ thể: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Đến thời hạn trả nợ, nếu người bạn không chịu trả số tiền đã vay, bạn có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, bạn phải đưa ra chứng cứ về việc cho người bạn vay tiền (ví dụ như xác nhận của người thứ ba được chứng kiến việc cho vay hoặc chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng…).
Tóm lại, bạn có thể đòi lại số tiền cho vay nếu có đủ căn cứ chứng minh về việc cho vay này. Việc đòi tiền có thể thông qua đàm phán, thương lượng trực tiếp hoặc khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội