Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình như sau:
1. Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định.
2. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.
3. Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.
4. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
5. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.
6. Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Như vậy, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người. Hành vi vứt rác thải không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 155/2016 ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể:
1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
c) Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Theo quy định trên, tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi vứt rác thải xuống hệ thống thoát nước có thể bị xử phạt hành chính đến 7 triệu đồng.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.