Trong trường hợp này, bạn chung sống và có con với một người đàn ông đã có vợ. Vì vậy, hai người con gái của bạn là con ngoài giá thú của người đàn ông đó. Tuy nhiên, pháp luật dân sự không phân biệt quyền thừa kế của con trong giá thú hay ngoài giá thú. Do đó, nếu bạn có đầy đủ chứng cứ để chứng minh hai người con gái của bạn là con của người đàn ông kia thì các cháu vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được hưởng thừa kế.
Theo Điều 644 Bộ luật dân sự 2015: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
Như vậy, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó. Trừ khi họ từ chối hưởng di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản. Hai người con gái của bạn đều chưa thành niên.
Do đó, mặc dù cha của hai người con gái của bạn để lại di chúc không chia tài sản cho hai người con gái của bạn thì các cháu vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Để bảo vệ quyền lợi của hai người con gái, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của cha của con bạn trước khi người đó chết.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội