Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự 2005 về người không có năng lực hành vi dân sự: "Người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện".
Khoản 4 Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) cũng quy định: "Đương sự là người chưa đủ 6 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện".
Theo các quy định vừa viện dẫn, con bạn chưa đủ 6 tuổi nên được coi là người không có năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch dân sự của con không có năng lực hành vi dân sự đều do cha, mẹ xác lập và thực hiện. Do đó, về nguyên tắc thì bạn có quyền đứng đơn khiếu nại hành vi của cô giáo dạy ở lớp con bạn.
Tuy nhiên, việc lấy chổi cọ bồn vệ sinh bằng nhựa (có nhiều gai) làm vệ sinh cho cháu - nếu có - thì cũng chưa đến mức bị coi là hành vi trái pháp luật. Bạn có thể phản ánh với ban lãnh đạo Nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Trong trường hợp cô giáo làm cháu bị thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe, bạn có thể khởi kiện ra toà yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, để yêu cầu tòa án thụ lý giải quyết, bạn cần phải tiến hành thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi của cô giáo khi cố ý hoặc vô ý xâm phạm sức khỏe của con bạn, như trích xuất hình ảnh từ camera (nếu có); đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa con đi giám định để làm rõ mức độ tổn hại cũng như nguyên nhân gây ra tổn hại đó.
Trong quá trình tiến hành tố tụng bạn cũng có thể yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu bạn không thể tự thu thập tài liệu, chứng cứ.
Luật sư Phạm Thị Thu
Công ty Luật Số 1 - Hà Nội