Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Như vậy, về nguyên tắc tài sản mà vợ/chồng nhờ người khác đứng tên trong thời gian hôn nhân cũng vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp mua bằng tài sản riêng (được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, tích lũy được trước khi kết hôn...) thì khi đó tài sản nhờ người khác đứng tên có thể được xác định là tài sản riêng. Tuy nhiên, khi có tranh chấp thì chủ tài sản phải chứng minh được tài sản đó được mua bằng tiền thuộc sở hữu riêng của họ. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung (khoản 3 Điều 33 Luật HN&GĐ)
Về thủ tục nhờ đứng tên, bên nhờ và bên đứng tên cần lập văn bản thỏa thuận, có sự tham gia của người làm chứng. Bản thỏa thuận quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên như quyền quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản, nghĩa vụ sang tên trả lại cho người nhờ đứng tên, chi phí cho việc sang tên...
Mặc dù việc nhờ đứng tên khá phổ biến trong đời sống xã hội nhưng thực sự tiềm ẩn không ít rủi ro:
Thứ nhất, tranh chấp phát sinh giữa hai bên trong quá trình quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản sau khi đứng tên.
Thứ hai, một trong các bên chết thì sẽ gặp rất nhiều rắc rối liên quan đến vấn đề thừa kế, nếu có tranh chấp.
Thứ ba, khi có nhu cầu chuyển nhượng nhưng người được nhờ đứng tên không thể tham gia do ốm đau, đi công tác, tranh chấp hôn nhân của chính người được nhờ đứng tên mà vợ/chồng của người đó cho rằng đó là tài sản của vợ chồng họ chứ không phải là tài sản của người nhờ đứng tên.
Ngoài ra, còn rất nhiều rủi ro khác. Do vậy, với việc nhờ người khác đứng tên, bạn nên cân nhắc một cách kỹ lượng, chú ý đến các hậu quả pháp lý của việc nhờ đứng tên.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội