Hiện, các quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Chương II Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, tuy nhiên quyền về đời sống riêng tư của trẻ em chưa được đề cập trong Luật này mà chỉ được quy định chung tại Bộ luạt Dân sự năm 2005.
Để khắc phục hạn chế này cũng như để bảo vệ trẻ em tránh khỏi các nguy cơ bị xâm hại, Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực vào 1/6/2017), trong đó quy định về quyền bí mật đời tư của trẻ em.
Theo điều 21: “1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 11 Điều 6 của luật này, việc "công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” là hành vi bị cấm.
Như vậy, theo các quy định vừa trích dẫn ở trên và các quy định khác của Luật Trẻ em 2016, trước tiên có thể khẳng định không phải tất cả mọi hành vi đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật.
Nếu những hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật như Luật Dân sự, Luật Trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ví dụ không nên đăng tải hình ảnh trẻ em ở trạng thái không mặc quần áo, hoặc những thông tin cá nhân quá riêng tư của trẻ em. Bởi ngoài việc quy định của pháp luật về quyền bí mật riêng tư, quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình, chúng ta phải tính tới các nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, bị xâm hại. Các kẻ xâm hại trẻ em sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích không đúng với mục đích ban đầu của những bậc cha mẹ.
Có thể thấy Luật Trẻ em 2016 đã đề cao, thể hiện được sự quan tâm, hướng tới việc bảo vệ tốt nhất các quyền và tránh nguy cơ bị xâm hại của trẻ em. Tuy nhiên, luật vẫn còn quy định khá chung chung. Vì thế việc xác định hành vi đăng ảnh của con lên trang mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không là rất khó và thiếu tính khả thi.
Quyền “khởi kiện người lớn của trẻ em”
Trên thực tế vấn đề trẻ em có quyền kiện người lớn còn rất xa lạ đối với công dân ở Việt Nam. Trong các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, không ghi cụ thể trẻ em có quyền kiện, khiếu nại nếu các hành vi đó gây tổn hại cho mình.
Tuy nhiên, trong Luật Trẻ em 2016 đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với mình. Cụ thể, các em có thể bày tỏ nguyện vọng của mình bằng hai biện pháp:
- Các em có thể cung cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho mình, kể cả là của bố mẹ đến một tổ chức mà luật quy định, đó là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Các em có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia về trẻ em, đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang vận hành.
Bạn cần lưu ý, Luật Trẻ em 2016 chỉ quy định trẻ em có quyền bày tỏ nguyện vọng, cúng cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho mình thông qua tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em để được bảo vệ, chứ luật không quy định về việc trẻ em có quyền tự mình “đi kiện người lớn” khi họ có hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư của các em.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội