Nhiều người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không mấy quan tâm đến gương chiếu hậu, thậm chí cho rằng việc lắp gương làm giảm độ “chất” của mình và chiếc xe xịn.
Tuy nhiên, gương chiếu hậu có rất nhiều tác dụng. Nó giúp người điều khiển phương tiện quan sát từ phía sau tránh được tai nạn bất ngờ, nhất là khi rẽ. Nếu không, bạn sẽ là người hứng chịu thiệt hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, cho dù đi đúng luật.
Những tên cướp giật thường bám theo bạn một quãng đường rồi mới ra tay. Nếu quan sát trong gương, bạn sẽ dễ nhận ra. Dù bạn có không nhìn vào gương thì chúng cũng sẽ e ngại hơn vì sợ bị phát hiện.
Thế nào là gương chiếu hậu đạt tiêu chuẩn?
Quy chuẩn Việt Nam về gương chiếu hậu cho môtô, xe máy quy định: Gương có tác dụng phản xạ và phải điều chỉnh được vùng quan sát. Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2. Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm.
Để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hãy trang bị cho xe máy ít nhất là gương chiếu hậu bên trái, hoặc tốt hơn là cả 2 bên, để có tầm quan sát phía sau tốt nhất.
Xe máy không gương bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển ở mọi địa hình, địa bàn khác nhau...
Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, nếu “không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng” sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Cục Cảnh sát giao thông