Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ), vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Khoản 2 Điều 5 cũng nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Khoản 3 Điều này cũng quy định mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Như vậy, về mặt pháp lý, nếu chồng bà có hành vi ngoại tình, vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, bà có quyền “kiện” và việc quyết định có nên kiện hay không phụ thuộc vào sự cân nhắc, quyết định của bà (dựa trên các yếu tố về pháp lý, tình cảm,…).
Nếu hành vi ngoại tình của chồng chị vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì bà có thể “kiện” để yêu cầu ly hôn.
Ngoài ra, hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng như đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác thì còn bị xử lý vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 67/2015/NĐ-CP). Cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã/ phường có quyền lập Biên bản vi phạm và Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt.
Trường hợp ngoại tình mà chung sống như vợ chồng với người khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 (hiện chưa có hiệu lực, sẽ thay thế Bộ luật Hình sự 1999) vẫn tiếp tục quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng với nội dung cụ thể hơn và hình phạt nghiêm khắc hơn, cụ thể như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Với các quy định pháp luật nêu trên, bà cân nhắc để có hướng khởi kiện, yêu cầu xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Luật sư Kiều Anh Vũ
Văn phòng luật sư Lê Nguyễn