Theo thông tin cung cấp, bạn và công ty đã ký hợp đồng lao động trong đó có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên trên thực tế công ty không thực hiện, do đó trước hết, bạn cần trao đổi trực tiếp với lãnh đạo.
Trường hợp công ty cố tình né tránh trách nhiệm, bạn có thể làm đơn gửi lên cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu can thiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo điểm d khoản 1 điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa với lĩnh vực bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội là 75 triệu đồng.
Khoản 3 Điều 26 Nghị định 95/2013/ NĐ-CP quy định: Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn buộc: (1) truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 điều này; (2) buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc các cá nhân, doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể bị xử phạt rất nặng. Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định:
- Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến một tỷ đồng hoặc phạt tù đến bảy năm; đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
- Đối với pháp nhân thương mại, nếu vi phạm quy định này còn có thể bị xử phạt từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng.
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội