Theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014, thủ tục đăng ký khai sinh như sau: Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh. Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập. Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn. Theo Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 4/7/2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, quy định về xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) được bãi bỏ. Như vậy, thời gian tới, nếu cha, mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn thì khi làm thủ tục khai sinh cho trẻ, không cần phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp chưa đăng ký kết hôn và không có cơ sở xác định cha cho trẻ thì thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha. Theo Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Do đó, nếu chưa đăng ký kết hôn, chưa xác định được cha cho trẻ thì phần tên của cha trên Giấy khai sinh của trẻ sẽ để trống.
Nếu cha của trẻ muốn xác lập quyền và nghĩa vụ đối với đứa trẻ thì cần phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con. Theo Điều 25 Luật Hộ tịch, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
Theo Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con; trường hợp không có văn bản quy định vừa nêu thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Như vậy, cha của trẻ được quyền thực hiện thủ tục nhận cha cho con; nếu được xác nhận là cha của trẻ thì sẽ có các quyền và nghĩa vụ của cha đối với con theo quy định của pháp luật (Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Bộ luật Dân sự…).
Luật sư Kiều Anh Vũ