Theo Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự, tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã phường, thị trấn mà một bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau: 1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Theo quy định này, khi có tranh chấp chia di sản thừa kế liên quan đến bất động sản, các bạn đã có giấy Chứng nhần quyền sử dụng đất thì tòa án phải thụ lý đơn. Trong trường hợp này, giấy bị sai sót về địa chỉ thửa đất, một phần lỗi cũng do cơ quan có thẩm quyền; khi các bạn làm đơn khởi kiện ra Tòa án đã kèm theo giấy xác nhận của UBND xã và huyện về sai sót địa lý hành chính trong sổ đỏ thì giấy xác nhận này được coi là chứng cứ hợp lệ.
Về việc đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự… Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.
Như vậy, khi mẹ các bạn mất đi thì các quyền và nghĩa vụ dân sự của bà cũng không còn. Các vấn đề liên quan đến khối tài sản bà để lại chỉ có thể được giải quyết thông qua những người thừa kế.
Điều 636 cũng quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Như vậy, sau khi được tòa án xác định là những người thừa kế của mẹ bạn, anh em bạn được hưởng di sản do mẹ để lại (mảnh đất) theo quyết định của tòa án thì các bạn mới là người được quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền đính chính lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên trong trường hợp cụ thể này, do đang có tranh chấp trong việc chia thừa kế mảnh đất nên trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, các bạn có thể đề nghị Tòa án ghi đúng vị trí mảnh đất như trên thực tế. UBND cấp có thẩm quyền sẽ cấp lại sổ đỏ cho các bạn theo quyết định của tòa án.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội