Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành thông tư 33/2017, trong đó có điều khoản bắt buộc ghi tên và thông tin của “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào sổ đỏ.
Bộ Tài nguyên giải thích rằng, căn cứ theo điều 3 Luật đất đai, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm làm sổ đỏ.
Theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai, “hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Do đó, Giấy chứng nhận chỉ ghi thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình. Các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất thì không ghi trên giấy chứng nhận.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận đối với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người theo quy định tại Khoản 4 Điều 98 của Luật đất đai. Trường hợp cấp Giấy chứng đối với đất là tài sản của cá nhân thì phải ghi họ, tên của cá nhân đó.
Nội dung quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Thông tư này là phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 98 của Luật đất đai.
Luật sư Kiều Anh Vũ cho biết, hộ khẩu là quản lý hành chính về mặt cứ trú, nơi ở (nơi thường trú). Những người có cùng hộ khẩu đương nhiên được xem làm thành viên trong hộ gia đình. Tuy nhiên, không phải cứ có tên trong sổ hộ khẩu là được ghi tên trong sổ đỏ. Chỉ khi nào bạn được chung quyền sử dụng đất thì mới được ghi tên trong sổ đỏ.