Điều 147 Luật nhà ở năm 2014 quy định:
“Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.
Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở”.
Theo quy định này, việc chủ đầu tư bán căn hộ khi chưa giải chấp đồng thời không có sự đồng ý của người mua căn hộ chung cư và ngân hàng là trái quy định của pháp luật. Thế chấp tài sản ở ngân hàng là một hình thức huy động vốn, lúc này tài sản đang thuộc quyền quản lý của ngân hàng.
Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người mua nhà cần làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ cung cấp văn bản của cơ quan chức năng hoặc văn bản của ngân hàng, nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, chứng minh căn hộ của họ không bị thế chấp. Nếu trường hợp căn hộ của họ bị thế chấp, khách hàng yêu cầu chủ đầu tư giải quyết với ngân hàng để giải chấp và nếu cần thiết có thể khởi kiện chủ đâu tư ra Tòa án, buộc chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm như hoàn trả tiền và bồi thường thiệt hại.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội